Đại hội Trà Kiệu 2017 – cơ hội trở về bên...
GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG *** THÔNG BÁO CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG NĂM 2017 Trà Kiệu, 30 – 31/5/ 2016 Kỷ...
Ở mỗi làng đều có một ngôi nhà chung gọi là đình làng, hình ảnh này lấy từ ngôi nhà mái cong có từ 3000 năm trước trên trống đồng Đông Sơn của người Việt cổ xưa, nay còn lưu lại trên hình dáng nhà sàn của người Mường ở Hoà Bình, nhà Rông của người Thượng ở Tây Nguyên, và bao ngôi đình làng còn trên đất Việt. Đây là một minh chứng hùng hồn cho nền văn hoá kiến trúc “thuần” Việt, không lai tạp ngoại bang dù có đôi nét như tương đồng với kiến trúc Á Đông khác. Tuy nhiên, chính nguồn gốc và chức năng của đình làng đã nâng cao lòng tự hào và tư duy sáng tạo riêng của người dân Việt độc lập, tài hoa. Đẹp hơn nữa khi thấy Vương Cung Thánh Đường Mẹ La Vang (Quảng Trị) cũng có kiến trúc văn hoá mái đình, làm tôi mạnh dạn viết bài này trong tâm tình yêu mến quê hương và Giáo Hội
1. Từ đình làng …
Theo dòng lịch sử, đình làng đã sớm xuất hiện từ thế kỷ thứ II – III như 1 trạm dừng chân dọc đường nơi làng xã (Theo “Lục bộ tập kinh” của Khang tăng Hội). Vào thời nhà Đinh (968-979) đã thành đình trạm cho sứ thần lân quốc nghỉ chân trước khi vào chầu vua. Tới đời nhà Trần (1225-1400) có chiếu chỉ buộc đặt tượng Phật trong đình để thờ…Nhưng đình làng chỉ thật sự phát triển vào thời Hậu Lê (1428-1527) và trở thành nơi thờ tự Thành Hoàng (Thần làng) và các vị thần khác. Dân Việt thờ cúng các vị thần núi, thần sông, thần đất… nhiều nơi khác lại thờ những vị nhân thần là những người có công với thôn làng, đất nước, đó là những vị anh hùng dẹp giặc, chống ngoại xâm, lập làng, dạy nghề, tạo công đức cho dân. Những đức tính và khía cạnh đời thường của những vị thần được nâng lên tầm mức thiêng liêng cho người đời ngưỡng vọng noi theo. Hằng năm, nhân ngày lễ giỗ các vị này, người ta dâng lễ tế và cũng cầu xin sự phù hộ và bảo vệ của các ngài cho đời sống ấm no, cầu xin mùa màng sung túc, thịnh vượng. Đây cũng là lúc bày tỏ và giáo dục truyền thống hiếu thuận “uống nước nhớ nguồn” của dân làng, một nét đẹp văn hoá lưu lại cho đời sau. Có thể nói chức năng đầu tiên của đình làng là chức năng “tín ngưỡng”.
Kế đến là chức năng “văn hoá” của đình làng : sau “lễ” của tín ngưỡng là phần “hội” của văn hoá dân gian. Mở đầu là phần rước kiệu từ đền ra đình, hoặc đi quanh làng rồi quay về đình, đền. Tiếp đó là phần tế tự, và sau cùng là các hoạt động văn nghệ, vui chơi, giải trí như hát tuồng, hát dân ca, múa giao duyên, trò chơi dân gian….Vì mở rộng cho dân nên đình làng là biểu hiện văn hoá của cộng đồng dân cư chứ không là của riêng vua quan quý tộc. Mọi người đều có thể tham gia trong cuộc sống hội làng xôn xao, cuồn cuộn sức sống và tâm tình hoà đồng sinh động của cộng đồng.
Chức năng thứ ba phải kể đến của đình làng là chức năng “hành chính”: đây là nơi xét xử những tranh chấp, kiện tụng, phạt vạ, khao vọng, thu thuế, hội họp; quy định và công bố các luật lệ (hương ước) của làng về nông nghiệp, tổ chức xã hội, trách nhiệm, quan hệ… của dân làng. Những từ ngữ “lên lão”, “ăn khao”, “phạt vạ”, “nộp cheo, nộp cưới” … nói lên sự tôn trọng và niềm hãnh diện đằm thắm nét đẹp văn hoá của “lệ” làng, giúp người người nương tựa đùm bọc nhau. Đình làng quy tụ mọi người trong việc chung, giải quyết cái riêng, che chở cuộc sống người dân Việt. Đây là nơi cân bằng phép tắc, duy trì công lý và tình người trong tinh thần tương ái tương thân.
2. …Đến Đền Thánh La Vang
Là kiến trúc không gian « mở » hợp với khí hậu nóng và ẩm của Việt Nam, nên Đền Thánh La Vang xây theo hình dáng đình làng có hàng cột phía trước và nhiều cửa trổ ra bên ngoài thoáng mát ; khác với «không gian « đóng » của kiến trúc Trung Hoa « kín cổng cao tường » ngăn khí lạnh. Vẻ độc đáo của Đền còn thể hiện ở không gian mái ngói tỏa rộng, quy thức thích nghi với khí hậu gió mùa. Mái uốn cong nơi các góc của Đền cũng cảm hứng từ mái đình, không giống mái cong của Nhật bản, Thái Lan hay Trung Hoa, vì góc đao của mái theo hệ thống « tàu đao lá mái » của riêng kiến trúc Việt cổ với những đầu đao đồ sộ hay thanh thoát .Những mái uốn cong này như muốn đưa lòng người hoà cùng vạn vật bay tới tận cao xanh, nó cũng giống hình thuyền rẽ sóng chở bao tâm hồn mang đầy ước vọng, buồn vui, đến tụ họp bên Mẹ Maria tìm nguồn ủi an, nâng đỡ. Đền Thánh cũng như đình làng và nhà sàn của người Việt cổ, được nâng cao khỏi mặt đất : ngoài chuyện tránh lụt lội, hiểm nguy, thú dữ ; còn dâng cao sự tôn nghiêm trang trọng cho mọi nguời kính ngưỡng hướng về. Xin được so sánh Đền Thánh với đình làng, không phải để kết hợp gượng ép giữa tôn giáo và văn hoá đặc thù dân gian, nhưng chỉ mong tìm ra ít điểm tương đồng giữa truyền thống văn hoá và tâm thức người Việt trong cuộc sống đời thường luôn gắn bó hài hoà với tâm linh đến mức đồng điệu tuyệt vời, tươi đẹp.
La Vang là Đền « Thánh », nên chức năng hành chính như không có và chức năng văn hoá không đậm nét . Có chăng là đoàn dân Chúa vẫn đến để bày tỏ những lo âu, cơ cực, buồn vui và ước vọng, không mong được « xử kiện » hay « phạt vạ, khao thưởng », họ chỉ xin được sự thông cảm, nâng đỡ, ủi an nơi Mẹ Chúa Trời. Đây cũng là nơi đoàn con cùng một Mẹ đến sống gần gũi, đùm bọc nương tựa nhau, không hãnh diện vì gốc gác làng xóm, danh vọng chức quyền ; chỉ một lòng tự hào vào niềm tin chung nơi Chúa Tình thương. Trong những buổi diễn nguyện, những điệu múa bài ca dâng Chúa và Mẹ nói lên lòng tin son sắt, hi vọng vững chắc và đức mến nồng nàn của đoàn con cái thuận thảo qua bao biến thiên thăng trầm lịch sử và sẽ còn vang vọng mãi với thời gian. Rồi những buổi văn nghệ , giống mà không giống như hội hè dân gian, không chỉ đề cao văn hoá Việt cả đạo lẫn đời, còn thắp sáng lòng đạo đức và sự xác tín bất diệt vào những giá trị thiêng liêng của Nước Trời ngay trên trần thế. Còn trong những cuộc rước kiệu, nhìn đoàn dân Chúa theo nhau và bên nhau, sốt sáng nô nức, là minh chứng hùng hồn của một đoàn dân « chung tiếng chung lòng », con cùng một Mẹ, một lòng theo Chúa. Kìa những cụ già đi bên đoàn con trẻ, những người tật nguyền được đỡ dìu bởi những thiện nguyện hảo tâm, say sưa cùng nhau đọc kinh ca ngợi Mẹ… Còn gì cảm động bằng, còn hạnh phúc nào hơn ?
Quan trọng nhất phải kể đến chức năng tín ngưỡng, với Đền Thánh của Mẹ, xin được gọi là chức năng « thiêng liêng ». Đây là nơi cử hành những lễ nghi phụng vụ, ban phát các bí tích, cầu nguyện, bày tỏ lòng đạo đức…Có bao mục tử rạng ngời thánh thiện yêu thương, vừa đại diện dân và cùng dân dâng những của lễ chất đầy tâm tư nguyện vọng lên tận Đấng Cao Xanh, vừa « thay Trời hành đạo» hướng dẫn và giáo dục đoàn chiên của mình đi theo đường ngay nẻo chính. Bên cạnh các ngài là cả một đoàn dân Thánh, một cộng đoàn phụng vụ sốt sáng ca ngợi, tạ ơn, khiêm nhường thống hối, cầu khẩn…mong « quốc thái dân an » : đất nước an bình và dân lành hạnh phúc ; họ cũng cầu xin cho bao việc chung và niềm riêng : những trăn trở, khổ đau, khó khăn, buồn vui, hi vọng…với niềm tin tưởng sâu sa : chỉ có Chúa và Mẹ mới giúp họ giải quyết qua những bàn tay và tình cảm của anh em mình. Có những thánh lễ đưa hàng trăm ngàn người vào cảnh vực thần thiêng, để vạn lòng như một đang sống trong bầu khí phụng vụ thiên cung trong niềm tin Vua Trời đang hiện diện ; Có những buổi chầu Thánh Thể khiến con người như quên mình để dấn thân như Đấng hi sinh trên mặt nhật hào quang đã tự hiến mình ; Có những dêm lần hạt chung vang dội tiếng tung hô Mẹ Chúa Trời đầy phúc cả luôn thương yêu chăm sóc đàn con. Rồi những buổi thống hối thanh luyện con người được trong sạch lên ngang hàng thần thánh ; Những giờ cầu nguyện âm thầm bên nhau mong ơn Chúa tuôn đổ : bảo vệ người này, nâng đỡ người kia, thoả lòng ước mong của bao người khác…Có chăng một thiên đàng tại thế ? Khi đến với Mẹ, sống bên mẹ, sự vui mừng thoả mãn của đoàn con sẽ là câu trả lời chắc chắn nhất cho mỗi người. Thật hạnh phúc khi con người đến với Mẹ, với Chúa, để sống bên nhau, tâm hồn được nâng cao trên mọi tầm thường, dẹp bao bợn nhơ phiền muộn, mong sống thật với tâm linh của mình, cảm nếm trước hương vị thần linh của cuộc sống vĩnh cửu ngay khi còn tại thế. Đền Thánh La Vang , tầm mức và giá trị đã vượt khỏi « đình làng », đưa đến niềm tự hào và yêu mến của đoàn dân nước Việt, được lòng ngưỡng mộ của bạn bè năm châu nô nức hướng về. Có một Đền Thánh Mẹ Chúa Trời ở La Vang và nơi lòng mỗi người công giáo Việt Nam, luôn yêu mến quê hương và Hội Thánh.
« Cây đa, bến nước, sân đình… » . Xin được trở lại với khung cảnh quen thuộc của đình làng để kết luận. Cũng như các đình làng, Đền Thánh La Vang sừng sững cây đa (bằng đá) nơi linh đài Mẹ hiện ra, nhắc nhớ chuyện Mẹ đến an ủi và hứa che chở, ban bình an cho con cái của mình trong cuộc bách hại đạo khốc liệt năm 1798, thời vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn. Hình ảnh tượng trưng ba cây đa này thật gần gũi với tâm hồn Việt : trọng sự linh thiêng, tin tưởng ơn trên phù trợ, chở che, cứu vớt. Trên Đất Thánh, gần cổng ra vào giống cổng Tam quan, có 2 hồ nước thiên nhiên với nhà hoà giải và nhà trưng bày xây theo hình 5 chiếc bánh và 2 con cá : giúp con người thanh tẩy và biểu lộ chứng tích niềm tin vào Mẹ, biểu thị sự thanh sạch và no thoả khi con người đến với Đấng linh thiêng ; Lại có giếng nước như giếng « làng » để dân Chúa cùng múc nước nguồn « sự sống » . Sau cùng, một sân rộng trước Đền Thánh như sân « đình » đủ bao bọc hàng trăm nghìn con cái khi cử hành nghi lễ và sinh hoạt bên nhau với lòng « mến Chúa yêu người » còn lớn hơn « tình làng nghĩa nước ». Họ cùng nhau đến để được gần Chúa, gần Mẹ ; họ đến gần Mẹ và Chúa để được gần nhau hơn. Tâm tình này thật làm cảm động lòng Trời và cảm xúc lòng người gần xa qua bao thế hệ . Mong sao Đền Thánh với tình Mẹ chứa chan luôn ấp ủ, chở che, lôi cuốn đoàn con hướng về ; Mong phúc lành của Chúa, qua lời cầu bầu của Mẹ luôn gìn giữ Đất Việt « quốc thái dân an », dân lành luôn hướng thiện và ngập tràn hạnh phúc ; Mong Hội Thánh Việt Nam ngày thêm thánh thiện yêu thương, đem tình Chúa, tình Mẹ đến với muôn người, gieo rắc niềm tin vĩnh cửu trên cuộc đời trần thế tuy còn nhiều trắc trở khó khăn, nhưng sẽ dẫn đến một tương lai huy hoàng, bất diệt.
Theo Ân Linh (NgheThuatThanh)