Đại hội Trà Kiệu 2017 – cơ hội trở về bên...
GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG *** THÔNG BÁO CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG NĂM 2017 Trà Kiệu, 30 – 31/5/ 2016 Kỷ...
Mẹ La Vang – Một số sự kiện lịch sử tôn giáo không thể chứng minh được bằng khoa học nhưng đức tin sẽ là bằng chứng hùng hồn nhất, trong đó “Sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang” là một bằng chứng cụ thể. Sự tích Đức Mẹ hiện ra tại La Vang cho tới nay, hơn hai thế kỷ, chưa có bằng chứng cụ thể và khoa học để xác định được thời điểm. Tất cả những hiểu biết chỉ dựa vào truyền khẩu rồi dùng phương pháp chứng minh loại suy hay lý luận lịch sử để tìm về căn cơ, ngọn nguồn.
Vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, thừa sai Claude Bonin, cha sở Cổ Vưu, mỗi lần gặp ông già bà cả hay xức dầu kẻ liệt, như khi xức dầu cho bà nội của bà xã Thoại, giáo dân Cổ Vưu, thọ gần 100 tuổi có hỏi rằng: “Bà nay gần đến toà phán xét, bà phải nói cho thật, khi nhỏ bà có nghe Đức Bà hiện ra ở La Vang?” Các bà ấy là những người đạo đức, thật thà thưa rằng: “Thưa cha có, lúc nhỏ con có nghe cha mẹ con và mấy người lớn kể lại các việc ấy… Bấy giờ, theo lời cha mẹ là lúc con sắp sửa chào đời, quê nhà lâm cơn cấm cách ác liệt.”
Trong Đại Hội La Vang lần thứ nhất , nhiều vị cao niên được hỏi đều trả lời có nghe cha mẹ, người lớn kể lại nói là sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang xảy ra cách nay khoảng 100 năm.
Soát xét lại lịch sử, lấy mốc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cách đây khoảng 100 năm phải là thời gian có bắt đạo. Vậy là năm nào?
• Thời quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân (1775 – 1786), ít ra hai lần có lệnh bắt đạo vào năm 1779 và năm 1783, nhưng cả hai lần lệnh không được thi hành gắt gao, giáo dân vẫn ung dung, chỉ có vái nơi quan địa phương lợi dụng cơ hội ức hiếp người công giáo, dọa tịch thu ruộng đất, đòi tiền hoặc buộc họ tham gia vào các việc cúng bái, tế thần hoặc mê tín dị đoan, những phạm vi mà thời đó Giáo hội không cho phép. Còn ngoài ra, không có hình phạt chết người, không đến nỗi phải trốn lên rừng xuống biển. Vả lại lấy mốc 1779, 1783 thì thời gian cũng không khớp với “khoảng 100 năm “.
• Thời Quang Trung Nguyễn Huệ làm chủ Phú Xuân (1786 – 1792) chỉ có một lần nhà vua hạ lệnh lùng bắt các thừa sai vào giữa năm 1790. Trong thư đề ngày 09.01.1791 Đức cha Gioan Labartette cho biết: “Chừng năm hay sáu tháng trước đây vài chiếc tàu Châu Âu xuất hiện gần biển Qui Nhơn. Theo tấu trình của các quan, vua Quang Trung chuẩn y lệnh khám xét, bắt giam các thừa sai”. Tuy nhiên lệnh này có kèm theo hai điều kiện hạn chế: Chỉ thực hiện trong vòng sáu ngày và không được hạch hỏi, bắt bớ giáo dân. Vì vậy cuộc bắt đạo Quang Trung 1790 “không đủ điều kiện ” để các tín hữu Dinh Cát phải trốn vào La Vang.
• Thời Nguyễn Ánh phục quốc (1801) lên ngôi lấy hiệu là Gia Long (1802 – 1819), thống nhất đất nước, không có việc bắt đạo.
• Thời Minh Mạng (1820 – 1840) có nhiều cuộc bắt đạo ác liệt nhưng phải từ 1833 về sau. Quá ngắn so với thời gian “khoảng 100 năm.”
• Vậy sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang chỉ có thể xảy ra trong thời vua Tây Sơn Cảnh Thịnh, nghĩa là trong khoảng các năm từ 1792 – 1801. Căn cứ vào lịch sử, ta biết vào thời vua Cảnh Thịnh có cuộc bắt đạo năm 1798. Tuy chỉ xảy ra trong vòng một tháng nhưng gắt gao, ác liệt, đưa đến cuộc tử đạo oanh liệt của Thánh Linh mục Emmanuen Nguyễn Văn Triệu.
Linh mục Trương Bá Cần trong CÔNG GIÁO ĐÀNG TRONG THỜI ĐỨC CHA PIGNEAU (CGĐTTĐCP) cho biết: “Tháng 05.1797 Nguyễn Phúc Ánh đem đại quân quấy phá không những ở Qui Nhơn mà còn kéo ra tận đèo Hải Vân…, đổ bộ lên Đà Nẵng. Tháng 07.1797 Phúc Ánh đem quân trở về Gia Định.”
Trước khi rút lui, Nguyễn Ánh đã khôn ngoan sử dụng thành công kế ly gián:
– Một mặt ông biên thư cho Đức cha Gioan Labartette đang ở Dinh Cát, yêu cầu Đức cha thành lập một đạo quân công giáo (?) để làm hậu thuẫn khi ông tiến đánh Phú Xuân. Không biết vô tình hay chủ ý ông để thư này lọt vào tay triều đình Cảnh Thịnh. Đúng vào lúc quan nội hầu Lê Văn Lợi đang thắng thế trong việc xin vua Cảnh Thịnh hạ lệnh bắt đạo. Lệnh bắt đạo tất yếu được ban hành.
– Mặt khác, ông “để lại bức thư khuyến dụ Nguyễn Bảo, con cả Nguyễn Nhạc quy hàng, gây nên một sự hoang mang lớn trong hàng ngũ Tây Sơn. Sự thực là nhiều tướng tá và Nguyễn Bảo cuối năm 1798 đã xin quy hàng Nguyễn Phúc Ánh.” Phải chăng trong bầu không khí nghi ngờ và hoảng loạn ấy, ngày 07.08.1798, vào lúc giữa trưa, bốn toán lính đã cùng lúc đột nhập vào bốn họ đạo trong thành phố Huế…
Nhưng trước đó, nhờ có quan công giáo Hồ Công Diệu làm việc trong triều mật báo nên Đức cha Gioan Labartette đã kịp thời chỉ thị các thừa sai trốn ra Dinh Cát.
Tại họ đạo Thợ Đúc quân lính hùng hổ bố ráp, bắt người, đánh đập giáo dân và các nữ tu MTG nhằm nhanh chóng tìm ra nơi trú ẩn của các thừa sai. Đau lòng và để tránh thiệt hại cho giáo đoàn Thợ Đúc, một Linh mục gốc giáo phận Huế đang phục vụ ở Đàng Ngoài về quê thăm mẹ – Cha Emmanuen Nguyễn Văn Triệu – đã tự ra nộp mình, xưng là Linh mục. Binh lính mừng rỡ đóng gông giải cha về ngục.
Mười ngày sau cuộc bố ráp này, vua Cảnh Thịnh đã ban hành một sắc chỉ “truyền phá hủy tất cả các nhà thờ, tất cả các nhà ở của các Linh mục và bắt tất cả những ai có thể bắt được”. “Người dân trong nước phải giữ đạo Tam Cương, Ngũ Thường: Quân thần, phụ tử, phu phụ và nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đạo Datô có nhiều tà thuyết phải được cấm triệt để. Do đó muốn ích quốc lợi dân, hoàng đế truyền lệnh tiêu diệt đạo ấy vì là đạo đáng ghét.”
Thừa sai Girard trong thư đề ngày 25.06.1801 cho biết: “Cuộc bách hại này chỉ xảy ra dữ dội trong vòng khoảng một tháng bởi vì đã có bất hòa trong nội bộ Tây Sơn. Họ lo chém giết lẫn nhau và để cho chúng tôi yên.”
“Khoảng một tháng” theo thư thừa sai Girard tức là từ ngày 07.08.1798 đến khoảng 07.09.1798. Vậy, đã có căn cứ để kết luận sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại La Vang (có thể) xảy ra vào năm 1798, trong tháng Tám hoặc đầu tháng Chín.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã chọn La Vang mà hiện đến, cứu giúp hộ phù tổ tiên lương giáo chúng con, xin Mẹ La Vang tiếp tục cầu bàu và ban nhiều đặc ân cho mỗi người, mỗi gia đình chúng con.