Đại hội Trà Kiệu 2017 – cơ hội trở về bên...
GIÁO PHẬN ĐÀ NẴNG *** THÔNG BÁO CHƯƠNG TRÌNH ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG NĂM 2017 Trà Kiệu, 30 – 31/5/ 2016 Kỷ...
Nói đến Quảng Trị mà không nói đến La Vang là một điều thiếu sót. Bởi vì ít ai là dân Quảng Trị mà không nghe nói đến địa danh La Vang. Không những thế, La Vang đã là nơi mà từ Bắc chí Nam nhiều người biết đến, không chỉ là người Công Giáo mà cả đồng bào ngoài Công Giáo nữa. Ngày nay, trên thế giới nhiều người cũng biết đến La Vang. Ở đất Mỹ cũng đã có những ngôi nhà thờ lấy danh hiệu Ðức Mẹ La Vang.
Người lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo La Mã: Ðức Gioan Phaolô II cũng đã nói đến linh địa La Vang sau buổi phong thánh cho 117 vị Tử Ðạo Việt Nam vào ngày 19-06-1988, ở quảng trường Thánh Phêrô La Mã, trong buổi đọc kinh truyền tin, Ngài đã ngỏ lời với Giáo Hội Toàn Cầu vì sự hiện ra của Ðức Mẹ tại La Vang năm 1798… Vào ngày 28-11-1992, trong buổi triều yết chung cho các phái đoàn Công Giáo khắp nơi về Rôma, lại một lần nữa Ðức Gioan Phaolô II đề cập đến đền thờ Ðức Mẹ La Vang thuộc Giáo Phận Huế.
Ðặc biệt, sau khi chủ tế thánh lễ bế mạc đại hội giới trẻ vào chiều 15-08-1993 tại Denver (Hoa Kỳ), Ðức Gioan Phaolô II đã ưu ái dành một giờ để tiếp xúc riêng với khoảng 20,000 bạn trẻ và người Việt Nam ở Hải Ngoại đang có mặt tại Denver. Dịp này Ngài đã gởi cho toàn thể giới trẻ, Giáo Hội và dân tộc Việt Nam một thông điệp. Trong phần cuối cùng của thông điệp Ngài đã nói đến Ðức Mẹ La Vang: “Tôi xin phó thác toàn thể cộng đồng Công Giáo Việt Nam dưới sự bảo trợ của Ðức Mẹ La Vang, Ngài là Mẹ yêu thương, năm 1798 hiện ra an ủi những người giáo dân hồi đó bị Văn Thân bách hại. Giáo Hội tại Việt Nam đã được dâng hiến cho Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ Maria. Giờ đây sắp sửa đến ngày kỷ niệm 200 năm biến cố nói trên. Ước gì thời gian chuẩn bị lễ đệ nhị bách chu niên này cũng là thời gian tăng cường Ðức Tin sốt sắng và hăng say sống đời Công Giáo, là thời gian liên kết với Giáo Hội bên nhà, thời gian lưu niệm quá khứ, nhưng cũng là thời gian chuẩn bị một tương lai sáng sủa hơn cho các thế hệ mới của người Việt Nam. Cầu chúc cho họ lớn lên với niềm hiên ngang lành mạnh xứng với nguồn gốc Quốc Gia, với nền văn hóa sung mãn, với sự lớn mạnh của tổ tiên họ xưa kia, vẫn hùng tráng trước mọi thử thách gian truân…”
Thật ra người dân Quảng Trị, không kể thuộc tôn giáo nào, cũng đáng hãnh diện với vùng đất La Vang, nơi mà nhiều người trên thế giới đã biết đến.
Vậy La Vang là nơi nào? Trở về thời xa xưa, La Vang là nơi rừng núi hẻo lánh có nhiều cây “lá vằng”, có thú dữ, nằm về phía Tây cách đồn Dinh Cát, về sau là tỉnh lỵ Quảng Trị, bốn cây số và cách Phú Xuân, tức Kinh Ðô Huế, 58 km về phía Bắc. Theo địa bộ của làng Cổ Vưu được lập đời nhà Lê và được quản tu lại đời Gia Long có ghi tên “phường Lá Vằng”. Sở dĩ gọi vậy là vì nơi đáo có nhiều lá vằng, một loại cây mà người phụ nữ lúc sinh đẻ thường nấu nước, có vị đắng, để uống như một vị thuốc, rồi đọc trại ra là La Vang. Có người cho rằng gọi là La Vang vì ngày xưa nơi rừng rú có cọp, beo, thú dữ nên mỗi lần các toán người đi làm củi ngang qua phải la vang để thú dữ lẫn tránh.
Dở lại những trang sử đau thương của đất nước từ năm 1765-1801, nhận thấy trăm họ lầm than, dân tình khổ sở vì nạn đói kém, chiến tranh. Ðối với người Công Giáo lại còn bị bắt bớ, tù đày, giết chóc. Theo truyền thuyết thì Ðức Mẹ đã hiện ra tại La Vang trong thời gian đen tối đó, tuy không rõ năm nào, nhưng theo truyền khẩu, nhiều người cho rằng Ðức Mẹ đã hiện ra dưới thời vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn vào năm 1798.
Ngày 17-08-1798 vua Cảnh Thịnh, con của vua Quang Trung, ra sắc dụ cấm đạo từ Phú Xuân đến Bắc Hà, lệnh cho tiêu diệt đạo Giatô, là đạo ngoại quốc, phải triệt hạ các đạo đường, đạo quán và tróc nả các đạo trưởng. Ðể trốn tránh sự bắt đạo của quan quân Tây Sơn, giáo dân xứ Trí Bưu (Cổ Vưu), xứ Thạch Hản… đã trốn vào ẩn náu trong “phường Lá Vằng”. Họ phá rừng làm rẫy, có người đã làm trại để giữ hoa màu. Và theo truyền thuyết, đêm đêm họ họp nhau đọc kinh lần chuỗi. Và bỗng nhiên vào một đêm, họ thấy một bà đẹp, tay bồng chú bé xuất hiện ở một cây đa cổ thụ, có hai vị cầm đèn chầu. Họ nhận ra đó là Ðức Mẹ bồng Chúa Hài Ðồng, có hai thiên thần chầu. Ðức Mẹ đã ngỏ lời an ủi họ, bảo họ hái lá cây xung quanh mà uống sẽ được lành bệnh và hứa rằng ai đến cầu khẩn tại chốn này Ngài sẽ ban ơn. Ðức Mẹ còn hiện ra nói với họ nhiều lần…
Dĩ nhiên, như trong bài diễn thuyết của Ðức cố Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn nói về sự tích La Vang đã nêu lên vấn đề như sau: “Sự tích về La Vang chúng tôi có biết đặng ít nhiều thì bởi truyền khẩu chứ không bởi truyền thơ. Những điều truyền khẩu về Ðức Mẹ La Vang thật hư thế nào, mặc ai tự nghĩ. Chúng tôi chỉ luận chung rằng: có tích mới dịch ra tuồng. Nay việc La Vang đã ra như một việc lớn lao thế này, lẽ nào là một việc vô tông vô tích”.
Năm 1802, Gia Long thống nhất sơn hà. Việc đạo tạm yên. Sự tích Ðức Mẹ hiện ra tại La Vang được truyền miệng khắp các xứ đạo vùng Dinh Cát. Người ta còn kể rằng người lương đi làm rú đến La Vang sau bị “động” nên rút lui, nhường lại cho giáo dân. Và do đó trước năm 1885, La Vang đã có một nhà thờ kính Ðức Mẹ. Nhà thờ này, cũng theo khẩu truyền: ngày 9-8-1885 đã bị cha con tên Mẹo dựa thế Văn Thân đốt cháy, nhưng ngay chiều hôm đó, Văn Thân đến thiêu sống cả gia đình ông ta.
Từ đó, La Vang một danh từ bắt đầu quen thuộc và trìu mến của giáo dân giáo phận Huế, rồi nhanh chóng vang danh khắp Việt Nam. Không ai là Công Giáo trong toàn quốc mà không nghe nói đến Mẹ La Vang.
Năm 1886 Ðức Cha Gaspar (Lộc) cho xây đền thờ ngói, 15 năm mới hoàn thành, vì địa điểm núi non nên vận chuyển vật liệu khó khăn. Năm 1901, đại hội La Vang đầu tiên được tổ chức vào ngày 08-08 để mừng khánh thành nhà thờ. Dịp nầy, Ðức Cha Gaspar đã chọn bổn mạng cho thánh đường La Vang với tước hiệu: “Ðức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu” và đã quy định về các cuộc kiệu ở La Vang như sau: mỗi năm kiệu Ðức Mẹ một lần vào ngày mồng 3 tết nguyên đán gọi là kiệu minh niên và cứ ba năm mở đại hội ba ngày trong tuần lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Tục lệ này vẫn được tôn trọng và thi hành cho đến ngày nay.
Năm 1924, Ðúc Cha Allys (Lý) cho phép Linh Mục Morineau (Cố Trung), cha sở họ Cổ Vưu (Trí Bưu) cất một ngôi thánh đường rộng lớn. Ngôi nhà thờ ấy còn cho đến năm 1972, rồi bị chiến tranh tàn phá.
Năm 1949-1954, La Vang nằm trong vùng kiểm soát của phe Việt Minh, giáo hữu La Vang tản cư ra thị xã Quảng Trị thì đồng bào ở vùng lân cận như Long Hưng, Phú Hưng lại đến quây quần chung quanh đền Ðức Mẹ. Một điều lạ lùng là trong vòng hai năm (1949-1950) có gần 1,000 người lương trở lại Công Giáo, dưới thời cha Giacôbê Nguyễn Linh Kinh làm cha sở ở linh địa La Vang (1946-1955).
Năm 1954 hiệp dịnh Gienève chia đôi đất nước, La Vang nằm về phía Nam vĩ tuyến 17. Cảnh hành hương bắt đầu nhộn nhịp… Nhiều người, nhiều đoàn thể từ Bến Hải đến Ca Mau thay phiên nhau đến kính viếng Ðức Mẹ.
Ngày 22-08-1961, Hội Ðồng Giám Mục miền Nam đã long trọng tuyên bố tại La Vang là chọn đền thờ Ðức Mẹ La Vang làm “đền thờ toàn quốc dâng kính Trái Tim Vô Nhiễm Ðức Mẹ” và nhận linh địa La Vang làm “Trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc”. Công trình xây dựng trung tâm bắt đầu trong năm 1962 đến năm 1964 với sự tích cực đóng góp của giáo dân khắp nơi. Cùng trong ngày 22-08-1961, ngày bế mạc đại hội, sắc Tòa Thánh Vatican nâng đền thờ Ðức Mẹ La Vang lên bậc Vương Cung Thánh Ðường đã được rước từ nhà thờ Trí Bưu vào theo nghi lễ đặc biệt Á Ðông.
Năm 1972, chiến tranh quốc cộng giữa Nam Bắc khốc liệt xảy ra ở Quảng Trị, La Vang bị tàn phá nặng nề. Bao công trình kiến tạo đều bị bom đạn san bằng, ngôi thánh đường còn một nữa phía sau, chỉ trừ ba cây đa nhân tạo nơi đài Mẹ, tục truyền là nơi Mẹ đã hiện ra là còn nguyên vẹn.
Mùa xuân 1974, Ðức Mẹ thánh du Ðạo Binh Xanh quốc tế tổ chức đã đến La Vang trong cảnh hoang tàn, nhưng rất đông con cái mẹ đến kinh viếng.
Từ sau năm 1975, mặc dù hoàn cảnh có khó khăn, chính quyền Cộng Sản cấm ngặt những sự tụ tập ở linh địa La Vang, tuy thế con cái Mẹ không riêng gì ở giáo phận Huế mà nhiều nơi trong nước Việt Nam, vẫn tìm cách về bên Mẹ.
Mãi đến năm 1990, chính quyền thấy rằng việc nghiêm cấm giáo dân hành hương “về bên Mẹ” là bất lợi, nên chính quyền huyện Triệu Hải (tỉnh Quảng trị) cho phép tổ chức đại hội trong sự hạn chế tối đa. Văn bản cho phép của huyện chỉ có trước một tuần lễ, và chỉ cho phép linh mục E. Nguyễn Vinh Gioang, cha sở Diên Sanh kiêm linh địa La Vang đứng ra điều hành thôi. Bởi đó, về mặt tổ chức chẳng có gì. Ðiện đèn lờ mờ chẳng ra sao, máy móc âm thanh phát tiếng cũng èo uột… nhưng về mặt tinh thần đạo đức của trên 20,000 giáo dân lên đến tột độ.
Năm 1993, đại hội lần thứ 23 diễn ra từ thứ năm 12 tháng 8 đến 15-08-1993. Ðại hội lần này tuy còn bị hạn chế nhưng cũng được rộng mở hơn, lý do chính quyền CS nhận thấy có lợi về mặt chính sách và vật chất, chỉ riêng việc độc quyền giữ xe cũng đã thâu được mấy triệu đồng, chưa kể việc cho thuê đất để các quán xá dựng lên…
Ngày bế mạc có gần 50 ngàn con Mẹ từ Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Sài Gòn, Ðà Lạt, Gia Lai, Kontum, Ðà Nẵng cùng với giáo dân Huế cung nghinh Mẹ qua các con đường quanh linh địa, có cả trên 100 đơn vị.
Hôm nay, ở quê người, nhớ về Quảng trị, nơi chôn nhau cắt rốn, một tỉnh miền Trung tuy nghèo nàn nhưng đậm đà biết bao tình quê hương. Tôi cầu xin cho quê hương tôi thoát khỏi bao đau thương, một ngày nào được trở về sống những ngày còn lại của cuộc đời để rồi được chết chôn trong lòng đất Mẹ.