Những bí ẩn chưa biết về Đức Mẹ La Vang
Trong cơn bắt đạo tàn khốc dưới thời Vua Cảnh Thịnh, giáo dân khắp vùng đã chạy trốn đến La Vang.Năm 1798,...
1. Hai cuộc đời khác biệt :
a. Trên bình diện cội nguồn và cá tính :
– Thánh Phêrô là người thành Bétsaiđa, miền Galilê, xuất thân từ môi trường bình dân, ít học, làm nghề đánh cá (Mt 4, 18). Trong khi đó, mặc dù là gốc dân do Thái, Phaolô lại sinh tại Tarsô (Cv 9,11), mang quốc tịch Rôma (CV 16,37), được học hành đến nơi đến chốn với danh sư biệt phái Gamaliel (CV5,34; 22,3).
– Nếu Phêrô luôn trung thành với lề luật và gắn bó với môi trường xã hội Do Thái như những người mộ đạo đương thời : giữ luật cắt bì, coi trọng việc qui định sạch dơ về đồ ăn thức uống… (Cv 10,14), thì Phaolô, cho dù có nhiệt thành với luật Môsê, nhưng vì được hấp thụ nền văn hóa Hi Lạp, lại sinh trưởng nơi môi trường hải ngoại, nên có cái nhìn thông thoáng và cởi mở hơn đối với thế giới lương dân.
b. Trên bình diện ơn gọi và sứ vụ :
– Phêrô là một trong những môn đệ đầu tiên đi theo Chúa và đã dấn thân trong ơn gọi này với tất cả lòng nhiệt thành và bộc trực của mình. Trích đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe đã minh họa rõ nét : chính lòng nhiệt thành và tính bộc trực đã thúc đẩy Phêrô vượt trên anh em để tuyên xưng niềm tin : “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống”. Một lời tuyên tín sâu sắc tuyệt vời, là kết quả của ơn mặc khải của Thiên Chúa cùng với cảm nhận của riêng mình đã khiến Chúa Giêsu khen ngợi và đặt Ngài làm đá tảng xây nền Giáo Hội. Nhưng “Đá Tảng” ấy vì đã vội “bốc đồng”, muốn chơi trội định ngăn cản Đức Giêsu thực thi chương trình cứu độ, nên đã bị Chúa quở trách là Satan. Mà nào chỉ có lần này ! Chuyện trên trên Biển Hồ đêm nào vẫn còn đó : Đầu tiên, khi con hướng về Chúa, Phêrô đã bước những bước an toàn trên sóng nước. Nhưng sau đó, suýt nữa đã chìm nghỉm yếu đuối của mình. Nhưng thê thảm nhất phải là chuyện xảy ra trong biến cố khổ nạn : Chính tại bàn tiệc ly, Phêrô đã thách thức : “Dù cho mọi người vấp ngã, nhưng con thì không!…Dù phải chết với Thầy, con sẽ không chối Thầy”. Thế nhưng, trong chính đêm định mệnh ấy, Phêrô đã run sợ chối Thầy ba lần chỉ vì lời nói của một người đầy tớ. Nhưng thật may mắn cho Phêrô khi ông vẫn còn lẽo đẽo theo Thầy để cuối cùng nhận được ánh mắt nhân từ tha thứ để rồi, cũng tại nơi Biển Hồ Tibêriat, sau ngày Chúa sống lại, Phêrô hết còn tự tin nơi chính mình mà chỉ biết phó thác nơi sự khôn ngoan của chính Chúa : “Thầy biết hết mọi sự. Thầy biết con yêu mến Thầy”. “Tảng Đá” Phêrô đã vỡ vụn hôm nào tưởng đâu sẽ bị loại bỏ; ai ngờ Đức Kitô đã hàn gắn lại để ân cần trao cho Ông sứ mệnh chăn dắt đoàn chiên.
– Ơn gọi của Thánh Phaolô lại không đơn giản như thế. Trước khi trở thành một Tông Đồ nhiệt thành sâu sắc của Đức Kitô, thì Phaolô đã là một Pharisiêu cương quyết loại trừ Kitô giáo với tất cả nhiệt tình và suy nghĩ chín chắn. Với niềm tin được cắm rễ vững chắc trong truyền thống lề luật Môsê, làm sao Phaolô lại chấp nhận một tên Giêsu Nadarét nào đó vi phạm luật ngày Sabát ? và còn hơn thế nữa, làm sao chịu được những luận điệu tuyên truyền của đám dân chài Galilê, đồ đệ của Giêsu cho rằng Ngài đã sống lại và đang sống ! Đồng tình trong vụ ném đá chết Stêphanô chưa đủ đâu ! Phaolô còn hung hăng đi truy bắt các kitô hữu để tiêu diệt mọi mầm mống có nguy cơ phát sinh một tôn giáo mới, ngược lại tôn giáo cựu truyền của cha ông. Nhưng rồi, một ánh sáng diệu kỳ đã đánh mù đôi mắt xác thịt trần tục của ông để mở ra cho ông một nguồn sáng mới. Tên Pharisiêu cực đoan bài xích kitô giáo hết cỡ, thì với biến cố Damas, giờ đây đã trở thành “người loan báo Chúa Kitô hăng nồng như một “vận động viên lao về phía trước” (Pl 3,13), như một chiến sĩ “chiến đấu ngoan cường trong trận chiến chính nghĩa” (Thư gởi Timôthê trong BĐ 2) mà không một trở lực nào, dù bắt bớ tù đày, dù đòn vọt khổ đau, dù sống hay chết… có thể “tách Phaolô khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô”. Và cuộc sống của Phaolô từ đó đã xoay quanh chân lý nền tảng này : “Tôi sống đây, nhưng không phải là tôi, mà chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
2. Hai cuộc đời hiệp nhất trong Đức Kitô :
Qua vài phân tích sơ lược trên, quả thật “Hai Cột trụ” của Giáo Hội có nhiều điểm khác biệt mà chính Kinh Tiền Tụng trong phụng vụ hôm nay đã nhắc tới : “Cha đã sắp đặt để thánh Phêrô là người đầu tiên tuyên xưng đức tin, thánh Phaolô là người làm sáng tỏ đức tin, thánh Phêrô thiết lập Hội Thánh tiên khởi cho người Ítraen, thánh Phaolô là thầy giảng dạy muôn dân. Như vậy các Ngài đã dùng đường lối khác biệt, để qui tụ một gia đình duy nhất cho Đức Kitô…”. Quả thật, chính niềm tin, lòng yêu mến Chúa Kitô và Hội Thánh Ngài, đã đem Phêrô và Phaolô lại gần nhau. Chính Phêrô đã không bao giờ nhân danh quyền thủ lãnh để áp đặt Phaolô, nhưng đã biết khiêm hạ nhìn nhận khuyết điểm (Gl 2,2tt). Cũng thế, Phaolô không bao giờ nại vào trình độ văn hóa, khả năng suy tư để xem thường Phêrô. Phaolô luôn ý thức vai trò củng cố đức tin và sứ mệnh chăn dắt Giáo Hội của Phêrô được chính Chúa Kitô trao phó. Và nhất là, cho dù ở hai lãnh vực hoạt động khác nhau, nhưng niềm tin và lòng yêu mến đã thúc đẩy Phêrô – Phaolô cùng hội tụ tại thủ đô Rôma để làm chứng cho Chúa Kitô bằng chính máu của mình. Phêrô bị đóng đinh ngược đầu còn Phaolô bị xử trảm.
3. Bài học hôm nay :
Gần 2000 năm qua rồi nhưng cuộc đời của Phêrô -Phaolô vẫn còn là một gợi hứng đầy sinh động và cuốn hút cho Dân Chúa nói chung và cho mỗi một người chúng ta nói riêng. Bài học lớn đầu tiên mà Hội Thánh rút ra từ hai cuộc đời vĩ đại này phải chăng là “Sự hiệp nhất trong đa dạng”. Đa dạng trong tính tình, khuynh hướng, trình độ tri thức lẫn phương cách hoạt động nhưng Hai Vị Tông Đồ lại hiệp nhất trong cùng một đức tin và một lòng yêu mến. Sự hiệp nhất như thế thật sự là quá cần thiết cho Giáo Hội muôn nơi và muôn thuở. Cho dù hôm nay, Giáo hội có toả lan cỡ nào, có vươn dài đến mọi biên giới của muôn dân tộc, quốc gia, thì sự khác biệt mãi mãi sẽ không làm cho Giáo Hội chia rẽ, phân tán, nhưng càng thêm phong phú tốt tươi vì mọi phần tử được liên kết với nhau trong một mối dây thâm sâu nhất đó là tình yêu và lòng trung tín đối với Chúa Kitô, đối với Hội Thánh của Ngài.
Cách riêng đối với mỗi người chúng ta, chỉ cần nhớ lại một đôi câu nói của Hai Ngài, chúng ta cũng có thể tìm thấy cả một linh đạo cần thiết cho hành trình đức tin của mình :
– Để sống khiêm hạ : “Lạy Thầy xin hãy xa con, vì con là người tội lỗi…” (Phêrô); “Cho đến bây giờ chúng tôi đã nên như rác rưởi thế gian…” (Phaolô)
– Để vững lòng trông cậy : “Lạy Thầy cứu con” (Phêrô), “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (Phaolô)
– Để thuộc trọn về Đức Kitô như chọn lựa cuối cùng : “Bỏ Thầy con biết đến cùng ai…” (Phêrô), “Đối với tôi, sống là Đức Kitô…”, “Tôi sống đây không phải tôi nhưng chính Đức kitô sống trong tôi” (Phaolô)
– Để yên mến Đức Kitô hết mình : “Thầy biết con yêu mến Thầy” (Phêrô), “Không có gì tách tôi khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Kitô” (Phaolô).
– Để trung thành với Chúa Kitô trong mọi hoàn cảnh : “Dù có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Phêrô), “Tôi đã chạy đến cùng đường và giữ vững niềm tin” (Phaolô)
– Để vâng lệnh Chúa Kitô ra đi loan báo Tin Mừng : “Vâng lời Thầy con xin thả lưới” (Phêrô), “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Phaolô)
– Để củng cố và xây dựng Hội Thánh; “Anh em là Dân tộc thánh…là những viên đá sống xây dựng đền thờ Thiên Chúa” (Phêrô), “Anh em là thân thể Đức Kitô và mỗi người là một bộ phận” (Phaolô)