Cuộc hành hương la vang đầu tiên phải băng rừng vượt núi (p2)

Những cuộc hành hương la vang đầu tiên

6. ĐẠI HỘI LA VANG 6 : 20.08 – 22.08.1917.

Đại Hội La Vang 6 được tổ chức trễ một năm. “Lẽ đáng năm ngoái đúng lệ ba năm kiệu ảnh trọng thể, song vì địa phận đòi cơn túng ngặt, bão táp hủy hoại đôi phen. Lại nhơn dân bất an đoàn thể, gia dĩ đói khát cực bần, nên để đến năm nay.”[21]

Trong BÁO CÁO NĂM 1917 (tr.2/5), Đức cha Allys Lý cho biết cụ thể hơn: “Theo định lệ, lẽ đáng năm ngoái đã diễn ra cuộc đại hành hương Đức Mẹ La Vang, nhưng vì tin chắc năm 1916 chiến tranh châu Âu sẽ kết thúc, nước Pháp sẽ thắng trận, chúng con đã hoãn cuộc hành hương cố ý sẽ tổ chức một cuộc biểu dương vĩ đại, một lễ tạ ơn long trọng vì chiến thắng đã dành được và vì nền hòa bình đã được vãn hồi trên toàn thế giới. Hy vọng không thành, cũng không thể trì hoãn thêm năm nữa… Vì vậy cuộc hành hương được ấn định vào ngày 22.08″.

Đức cha Allys Lý chủ trì cuộc kiệu, cùng sự hiện diện của 50 Linh mục thừa sai và Linh mục bản quốc, 220 nữ tu và chủng sinh hai trường An Ninh, Phú Xuân. Phía quan chức có cụ Nguyễn Hữu Bài, các quan tuần phủ, án sát và lãnh binh. Giáo dân tham dự lên đến 20.000[22], nhưng trong BÁO CÁO NĂM 1917 (tr. 3/5) Đức cha Allys Lý ghi con số khiêm tốn hơn : “Mười hai đến mười bốn ngàn “.

7. ĐẠI HỘI LA VANG 7 : 01.09 – 03.09.1919

Đại Hội La Vang 7 được tổ chức vào năm 1919. Đó là năm đại chiến thế giới thứ nhất (1914 – 1918) vừa kết thúc, hòa bình thế giới được vãn hồi. “Vậy dầu chưa đến lệ ba năm nhưng bề trên đã định ngày mồng ba tháng Septembre là mồng mười tháng bảy nhuần Annam sẽ cất cuộc kiệu Đức Mẹ La Vang cho uy nghi trọng thể hết sức mà tạ ơn Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu cùng Đức Mẹ.”[23]

Đức Cha Allys Lý mặc phẩm phục Giám mục chủ tế thánh lễ hát trọng thể. Cố Phiên (Pieters), cố Lịch (Lefèbvre) phụ tế. Cố chính Giáo (Chabanon) chầu lễ. Cha Đ. Hồ Ngọc Cẩn giảng lễ. Có tất cả 68 cha Tây Nam, trong đó một cha Tây từ Đàng Ngoài vào, một Linh mục Việt Nam từ địa phận Qui Nhơn ra. Cụ Nguyễn Hữu Bài cùng quan Tuần, quan Án các tỉnh và gần 20.000 giáo dân Bắc Trung Nam tham dự.

8. ĐẠI HỘI LA VANG 8 : 20.08 – 22.08.1923

“Rạng ngày 22, vừa tảng sáng, bổn đạo các họ sắp đội ngũ kiệu Đức Mẹ từ nhà thờ Cổ Vưu lên La Vang… Khi bàn kiệu tới nơi nhà thờ tạm, vừa quá tám giờ thì khởi sự làm lễ hát. Cha Chabanon hát lễ, rồi kế Đức cha làm phép lành”[24], “Kỳ kiệu này quá lẽ là đông – phỏng chừng non hai vạn”[25]

Trong Đại Hội La Vang 8, lần đầu tiên giáo dân đi hành hương bằng hai loại phương tiện mới: Xe đạp và xe hơi. “Giấy xe lửa bán ra cho khách hành hương lên đến 4000 vé. Số khác, đông gắp ba bốn lần như thế đến La Vang bằng đi bộ, ghe thuyền, xe đạp và cả bằng xe hơi nữa.”[26]

9. ĐẠI HỘI LA VANG 9 – KHÁNH THÀNH ĐỀN THỜ MỚl: 20.08 – 22.08.1928

Đại Hội La Vang 9 được dự định tổ chức vào năm 1926, rồi 1927 nhưng “lúc này ở Huế đang có bệnh thiên thời”[27] và vì cố ý để sang năm (1928) làm phép nhà thờ mới kiệu luôn thể .[28]

Ngày thứ nhất của Tam Nhật, lúc 08 giờ sáng, nghi thức làm phép nhà thờ mới được cử hành long trọng. “Chính Đức Giám mục ĐDTT Huế đã làm phép đền thờ mới trước sự hiện diện của Đức cha Gouin, Giám mục ĐDTT Lào và đông đảo các giáo sĩ, trong đó đáng chú ý là sự có mặt của đại diện các giáo phận Sài gòn, Qui Nhơn, Vinh, Nam Vang và Hà Nội…”[29]. Ngày thứ hai sáng có lễ, chiều phép lành và giảng. Ngày thứ ba rước kiệu từ Cổ Vưu vào La Vang. Đức cha Gouin, Giám mục địa phận Lào theo hầu bàn kiệu và chủ tế lễ hát trọng thể. Cha Đ. Hồ Ngọc Cẩn giảng lễ. Thừa sai Combourieu, Linh mục địa phận Lào hát lễ. Khắp Đông Dương đều có đại diện về tham dự. Đại Hội La Vang 9 là Đại Hội đầu tiên mang tính toàn quốc, với sự hiện diện của hơn 30.000 giáo dân đến từ các giáo phận.

Từ Đại Hội La Vang 6 đến Đại Hội La Vang 9 được tổ chức trong ba ngày gọi là Tam Nhật: “Hai ngày trước ngày kiệu, tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang buổi mai có lễ, buổi chiều có Phép lành và sẽ có cha trú lại đó mà giảng và làm phước (ngồi toà) cho giáo hữu. Còn ngày chính (ngày thứ ba) buổi sớm mai sẽ kiệu ảnh Đức Mẹ từ Cổ Vưu lên La Vang, đoạn làm các việc khác như mọi năm trước.”[30]

10. ĐẠI HỘI LA VANG 10 : 17.08 – 19.08.1932

Kể từ Đại Hội La Vang 10 Đức cha Chabanon Giáo cho bỏ lệ rước kiệu từ Cổ Vưu vào La Vang. Cả ba ngày trong Tam Nhật đều tổ chức tại La Vang. Tuy nhiên, trong Đại Hội La Vang 10 cũng có tổ chức ngày áp lễ tại Cổ Vưu do cha sở Morineau Trung chủ tế thánh lễ và đặt MTC để giáo dân chầu kính suốt ngày.

Đức cha Chabanon Giáo chủ tế thánh lễ đại trào và có mặt suốt ba ngày Đại Hội. Cha Thế chủ sự cuộc rước kiệu Đức Mẹ. Đức cha và cụ Bài đi hầu kiệu. Cha Thục giảng về vai trò Đức Maria trong Hội Thánh. Khoảng 30.000 người tham dự, trong đó có 180 đoàn viên Thanh niên Công giáo mặc đồng phục đạp xe từ Huế ra.

“Tôn sùng Thánh Thể là nét canh tân rất tốt đẹp mà Đức cha Chabanon Giáo đã đem lại cho Đại Hội La Vang”[31]: Rước kiệu Thánh Thể vào ngày thứ hai trong Tam Nhật.

11. ĐẠI HỘI LA VANG 11 : 20.08 – 22.08.1935

Đức cha Chabanon chủ sự cuộc kiệu MTC. Cha Giuse Trang giảng về sự tôn kính Phép Thánh Thể. Cha Phêrô Thục chủ sự kiệu ảnh Đức Mẹ. Cha Giacôbê Kinh giảng về sự kính mến Đức Mẹ. Đức cha Chabanon chủ tế lễ hát Pontificale và tiếp làm Phép lành MTC. Gần 70 Linh mục Tây, Nam về dự. Số giáo hữu tham dự không thua gì Đại Hội trước:

12. ĐẠI HỘI LA VANG 12 : 17.08 – 19.08.1938

Đức cha Lemasle Lễ chủ sự Đại Hội. Đức Khâm sứ Drapier chủ lễ rước kiệu MTC (18.08) và chủ tế thánh lễ trọng thể bế mạc (19.08). Cha Tađêô Tin giảng về “ý nghĩa việc Đức Mẹ chọn La Vang mà hiện đến… ” Tháp tùng Đức Khâm sứ Drapier, có 3 cha thư ký Tòa Khâm Mạng: Trémeau, Crass và Michel Ngữ.

Khoảng 50.000 giáo dân[32] hiện diện, trong đó đặc biệt có đoàn 200 hành lữ lương giáo từ miền Nam ra. Đội, nhóm giáo lữ đến từ miền Bắc, từ địa phận Kontum và từ địa phận Lào. Ngoài ra, cũng kể đến đoàn 300 giáo hữu từ Huế đi bộ ra, đội nhạc Tây Phủ Cam và đoàn 400 Nghĩa Binh Thánh Thể địa phận Huế.

Cũng trong kỳ Đại Hội La Vang 12 này, Đức cha Lemasle Lễ ban phép phổ biến bài hát đầu tiên về Đức Mẹ La Vang: Bài “Đức MẸ LA VANG” của Linh mục JMT.

Từ 1938 đến 1955, tình hình chiến sự không cho phép mở Đại Hội La Vang. Lịch sử Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang bị gián đoạn suốt 17 năm. Dù vậy, trong thời gian này các cuộc hành hương thường niên, quanh năm vẫn được tổ chức, các cuộc hành hương riêng lẻ vẫn thường diễn ra. Đáng ghi nhớ là cuộc mạo hiểm đưa thánh tượng Đức Mẹ La Vang về Thạch Hãn để tổ chức TAM NHẬT ĐẠI HỘI kính Đức Mẹ La Vang tại Trí Bưu vào năm 1952 (10.09 – 12.09.1952)

13. ĐẠI HỘI LA VANG 13 : 17.08 – 19.08.1955

Đức cha Urrutia Thi, Giám mục địa phận Huế chủ trì ba ngày Đại Hội. Hai Đức cha Lê Hữu Từ và Phạm Ngọc Chi mới di cư vào cùng hơn 100 Linh mục Tây, Nam khắp ba miền đến tham dự. Vì chiến tranh vừa kết thúc, đất nước chia cắt, di cư chưa ổn định nên giáo dân về dự không đông, chỉ khoảng 20.000. Linh đài bát giác được xây dựng và hoàn thành trong dịp Đại Hội La Vang 13.

14. ĐẠI HỘI LA VANG 14 : 17.08 – 22.08.1958

Diễn ra trong 6 ngày: 2 ngày vọng lễ + 4 ngày chính lễ.

Trong ngày khai mạc có cuộc nghinh đón thánh tượng Đức Mẹ Lộ Đức đã được Đức Thánh cha Piô XII làm phép ngày 17.06.1958. Được Hiệp Hội Thánh Mẫu quốc gia Ý gởi tặng Hiệp Hội Thánh Mẫu Việt Nam nhân dịp Năm Thánh Mẫu Lộ Đức.

Đức cha Urrutia Thi chủ trì Đại Hội. Đặc biệt có sự tham dự của Đức Khâm sứ Capriô. Đức cha U Win, Giám mục tiên khởi Miến Điện, cùng bốn Linh mục tháp tùng Toupha, Su Wong và D’Erie ở lại tham dự suốt ba ngày chính lễ. Giáo dân khoảng 50.000.

15. ĐẠI HỘI LA VANG 15 – XỨC DẦU ĐỀN THỜ – ĐÓN NHẬN TƯỚC HIỆU VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG : 17.08 – 22.08.1961

Đại Hội La Vang 15 diễn ra trong 6 ngày, 3 ngày vọng lễ và 3 ngày chính lễ. Đức TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục chủ trì Đại Hội.

Đây là lần Đại Hội có quy mô và vĩ đại nhất từ trước tới nay, với nội dung phong phú và khối lượng công việc khổng lồ. Chính trong lần Đại Hội này, Đức cha PM Ngô Đình Thục, TGM Huế, thay mặt HĐGMV đã long trọng tuyên bố: “Kể từ nay, Vương Cung Thánh Đường và khu vực La Vang là Nhà của Mẹ, Đất của Mẹ, là Trung Tâm Thánh Mẫu Toàn Quốc.”

Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi chủ lễ rước kiệu Đức Mẹ. Có sự tham dự của 3 vị Tổng Giám mục[33], 10 vị Giám mục, 300 Linh mục, 1000 tu sĩ nam nữ và khoảng 300.000 người lương giáo đến từ các giáo phận: Huế, Kontum, Nha Trang, Long xuyên, Vĩnh Long, Sài Gòn, Qui Nhơn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Đà Lạt, Nam Vang và Ai Lao…

Đặc biệt có hai phái đoàn cao cấp của chính phủ VNCH, một do tổng thống Ngô Đình Diệm (16.08), một do phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ (21.08), và tướng Hungari Perakiraly đến tham dự Đại Hội.

16. ĐẠI HỘI LA VANG 16 : 14.05 – 17.05.1964

Đại Hội La Vang 16 diễn ra trong 4 ngày, do Đức Giám quản Philipphê Nguyễn Kim Điền chủ trì.

“Mặc dù tình hình căng thẳng và thiếu an ninh tại miền Trung, tín hữu toàn địa phận Huế và các địa phận lân cận đã đến dự Đại Hội rất đông. Đại Hội đã bế mạc vào 10 giờ đêm Chúa Nhật 17.05.1964. Hiện diện trong lễ bế mạc này có Đức Giám quản Nguyễn Kim Điền, Đức cha Urrutia Thi, Đức cha Phạm Ngọc Chi, Đức cha Hoàng Văn Đoàn, một số đông Linh mục dòng, triều, tu sĩ nam nữ và gần 50 ngàn tín hữu”[34]

Cần ghi nhận, trong bầu không khí không mấy thân thiện giữa chính quyền và giáo quyền, ngày 17.05.1964 vẫn có hai phái đoàn chính quyền tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, do hai vị tỉnh trưởng dẫn đầu đã đến chào mừng Đại Hội.

Linh Địa La Vang Năm Xưa
Trung tâm hành hương La Vang Năm Xưa

17. ĐẠI HỘI LA VANG 17 : 29.05 – 31.05.1970

Đại Hội La Vang 17 dự định tổ chức vào năm 1967, nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh nên Ủy Ban Toàn Quốc Về Tổ Chức Đại Hội Đức Mẹ La Vang đã ra thông báo đình hoãn. Tiếp đó, năm 1968, giáo phận Huế bị chiến tranh tàn phá trong biến cố Tết Mậu Thân. Năm 1969, chiến sự leo thang…

Đại Hội La Vang 17 do Đức TGM Philipphê Nguyễn Kim Điền chủ trì với “một tính cách đơn giản, hoàn toàn thiêng liêng với mục đích chính là sự ăn năn hối cải trong lòng để đem lại hòa bình cho nước Việt Nam”[35]

Ngày khai mạc 29.05 cũng là ngày kim khánh Linh mục của ĐGH Phaolô VI. Đại Hội dâng riêng một thánh lễ cầu nguyện cho ngài.

Mặc dù đang trong hoàn cảnh chiến tranh vẫn có 3 vị Tổng Giám mục, 4 vị Giám mục, 100 Linh mục từ các địa phận Huế, Sài Gòn, Mỹ Tho, Xuân Lộc, Đà Lạt, Nha Trang, Qui Nhơn, Kontum… đến dự. Bên cạnh đó, con số 100 nam tu sĩ và đại chủng sinh, 400 nữ tu cùng 60.000 giáo hữu là minh chứng hùng hồn cho sự thành công của Đại Hội.

18. ĐẠI HỘI LA VANG 18 : 20.08.1978

Sau Đại Hội La Vang 17, giáo phận Huế lâm nạn chiến tranh Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, La Vang bị tàn phá nặng nề. Giáo dân La Vang di cư gần hết. Tiếp đến là biến cố 30.04.1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất nhưng giáo hội Việt Nam nói chung, giáo phận Huế nói riêng rơi vào hoàn cảnh “khó khăn và tế nhị”. Đại Hội La Vang bị gián đoạn 8 năm.

Đến năm 1978, “tuy chưa có hoàn cảnh cho một Đại Hội Thánh Mẫu toàn quốc, nhưng dịp lễ này, có lẽ con cái Đức Mẹ khắp Việt Nam, đặc biệt khắp giáo phận nhà đang nô nức hân hoan hướng về Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang để chung lòng hiệp ý tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời để tỏ lòng hiếu kính Đức Mẹ bằng quyết tâm noi gương Người…”[36], bề trên giáo phận Huế đã quyết định tổ chức Đại Hội La Vang 18 vào ngày Chúa Nhật 20.08.1978.

Đại Hội La Vang 18 chỉ diễn ra trong một ngày. Đúng hơn là một buổi sáng với số giáo dân tham dự khoảng 10.000, từ Huế ra và từ Quảng Trị lên.

19. ĐẠI HỘI LA VANG 19 : 16.08.1981

Chủ đề : “Lời Chúa, ánh sáng dẫn đưa về trời”

Cũng như Đại Hội 18, Đại Hội 19 chỉ diễn ra vào buổi sáng Chúa Nhật 16.08.1981 với sự hiện diện của hai Đức TGM Huế. Đức cha Philipphê chủ lễ và giảng về đề tài: “Lạy Nữ Vương Mẹ nhân lành làm cho chúng con được sống, được vui, được cậy.”

Giáo dân, hầu hết là trong địa phận Huế, hơn 10.000 “đi bộ từng nhóm, từng gia đình, từng cộng đoàn. Lên đường về La Vang, giáo dân vui vẻ ca hát, cầu nguyện, nghỉ lại sức rồi lên đường. Đại Hội 1981.”[37]

20. ĐẠI HỘI LA VANG 20 : 19.08.1984

Không có Giám mục chủ trì: Đức TGM phó Têphanô đã từ nhiệm, Đức TGM Philipphê không ra được “vì lý do tòa án đang có kiến nghị với chính quyền tỉnh (Bình Trị Thiên) về Tòa Giám Mục”[38], “và hiện nay (11.04.1984) tôi đang còn bị thẩm vấn như một tội nhân.”[39]

Mặc dù có thông báo trước theo dạng tờ bướm và cũng được các cha sở loan tin trong họ đạo nhưng số giáo dân tham dự vẫn không đông, khoảng 10.000 và còn hạn hẹp trong giáo phận Huế.

Cuộc hành hương la vang đầu tiên phải băng rừng vượt núi (p3) – Còn tiếp

Xem thêm: Tour Hanh Huong Cong Giao

[21] Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 444. Ngày 09.08.1917. Tr. 489

[22] Số liệu từ thư của cha Denis (cố Thuận). HẠNH TÍCH CHA BENOIT. Tr.85

[23] Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 547. Ngày 14.08.1919. Tr.504

[24] Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 755. Ngày 06.09.1923. Tr. 555,556

[25] Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 755. Ngày 06.09.1923. Tr. 555,556

[26] Trích BÁO CÁO NĂM 1923. Tr.1/6

[27] Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 905. Ngày 12.08. 1926. Tr. 481

[28] Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 956. Ngày 11.08.1927. Tr.488

[29] Trích BÁO CÁO NĂM 1928. Tr. 3/3

[30] Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 442. Ngày 26.07.1917. Tr. 459

[31] Bài LE GRAND PÈRELINAGE DE NOTRE DAME DE LA VANG. JB Roux. Tạp chí Bulletin MEP. 1932

[32] Số liệu từ bài TAM NHẬT ĐẠI HỘI LA VANG 12 của Phêrô Nghĩa (Lm Philipphê Lê Thiện Bá). Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Sô 1520+1521. Tháng 09.1938

[33] TGM Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục, TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình và TGM Urrutia Thi

[34] Ns ĐỨC MẸ HẰNG CỨU GIÚP. Số 181. Tháng 06.1964. Tr. 167

[35] Phúc thư của Thánh Bộ Phúc Âm Hoá Các Dân Tộc gởi Đức cha Nguyễn Kim Điền. Nội san LA VANG. Số 27,28,29, Tháng 5 và 6. 1970. Tr. 5

[36] SỨ ĐIỆP LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI 1978 của hai Đức TGM Huế Philipphê Nguyễn Kim Điền và Têphanô Nguyễn Như Thể

[37] Tốc ký của Lm Nguyễn Vinh Gioang

[38] Trích văn thư của Đức TGM Nguyễn Kim Điền đề ngày 11.04 1984, gởi luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN

Gửi ý kiến của bạn

Tác giả: Hành Hương Công Giáo JM

Hành Hương Công Giáo JM - Tổ chức chuyên phục vụ các Tour hành hương đến các điểm hành hương trên toàn quốc cho anh chị em Ki Tô hữu trong niềm tin vào Đức Ki Tô Mọi thông tin tư vấn: 0934 734 099 - 0973 760 948