Cuộc hành hương la vang đầu tiên phải băng rừng vượt núi (p3)

Rất nhiều đoàn thể, giáo xứ hành hương la vang viếng Mẹ

21. ĐẠI HỘI LA VANG 21 : 16.08.1987

Không có Giám mục chủ trì. Sức khỏe của Đức cha Philipphê đã có dấu hiệu không ổn, bệnh cũ tái phát. Lại đang bị quản thúc. Cha sở La Vang Nguyễn Vinh Gioang cũng đang trong tình trạng có thể được “mời làm việc” bất cứ lúc nào.

Dù vậy, đến hẹn lại lên, ngày Chúa Nhật 16.08.1987 nhằm lễ Đức Mẹ Lên Trời, các cha và giáo dân hạt Quảng Trị, một số từ Huế tự động kéo ra La Vang tham gia Đại Hội.

Cha sở Mỹ Chánh Phêrô Hoàng Kính trong bài giảng lễ, với chất giọng đặc trưng Quảng Trị, dõng dạc: “Đi hành hương La Vang là đi về nhà Mạ. Nhà Mạ ta ta về, không sợ ai và không ai có quyền cấm cản ta. Mà dù cấm cản ta vẫn cứ về. Nhà Mạ ta ta về…”

Từ Đại Hội 18 đến Đại Hội 21 có mấy điểm tương đồng đặc trưng:

– Chỉ diễn ra ở cấp giáo phận Huế.

– Vào buổi sáng Chúa Nhật lễ Đức Mẹ Lên Trời.

– Trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ.

– Giáo dân tham dự chỉ trên dưới 10.000. Một số bị khó dễ trên đường đi: Chặn xe, xét tàu, đuổi lui. Số khác bị kiểm điểm khi về đến nhà…

-Các Linh mục đồng tế, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy cha Quảng Trị: Gioang (Diên Sanh kiêm La Vang), Cầu (Trí Bưu), Kính (Mỹ Chánh), Cao (Đại Lộc), Quý (Bố Liêu), Cẩn (Thuận Nhơn), Quỳnh (Trí Bưu), Tuyên (Kẻ Văn rồi Đông Hà), Tuệ (Phú Xuân tức Phường Thuốc)… và một số cha khác, không

thường xuyên, từ Huế ra: Giải (Chủng viện Hoan Thiện rồi Lương Văn), Lý (Đốc Sơ), Kim Bính (Phủ Cam), Minh (phó Phủ Cam), Khôi (Sơn Công), Minh Huy (Diêm Tụ), Huy (phó Trí Bưu rồi Cự Lại), Tuân (Thanh Hương rồi Nhứt Đông), Mỹ (Thanh Hương), Nhơn (Kim Đôi), Thanh (An Vân), Lành (dòng CCT), Sanh (dòng TA)…

22. ĐẠI HỘI LA VANG 22 : 17.08 – 19.08.1990

Trong hoàn cảnh thuận lợi, đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới, Đại Hội La Vang 22 đã diễn ra long trọng và đông đảo, với sự hiện diện của 30.000 giáo hữu trong ngày chính lễ. Còn nếu tính chung thì “năm nay bà con ở nhiều nơi đến hành hương La Vang ước tính độ năm vạn người, trong suốt ba ngày 17, 18 và 19. 08. 1990.”[40]

Linh mục Giacôbê Lê Văn Mẫn, giám quản địa phận Huế chủ trì Đại Hội.

Đây là Đại Hội Tam Nhật được tổ chức quy mô sau 20 năm, kể từ 1970. Thành công của Đại Hội La Vang 22 báo hiệu chấm dứt thời kỳ “khó khăn và tế nhị” đối với Lễ Hội La Vang.

23. ĐẠI HỘI LA VANG 23 : 13.08 – 15.08.1993

Chủ đề : “Sống đức tin theo gương Mẹ Maria”.

Mọi tín hữu đến với Đại Hội La Vang 23 “là để cầu nguyện trong sự gặp gỡ Thiên Chúa và Mẹ Rất Thánh của Ngài, để cùng nhau sống đức tin và biểu lộ đức tin sốt sắng, một cách công khai và trật tự.”[41]

Từ chiều khai mạc 12.08 đến sáng bế mạc 15.08, có tất cả 6 thánh lễ đồng tế. Cha giám quản địa phận Giacôbê Lê Văn Mẫn – chủ trì Đài Hội – chủ tế thánh lễ đồng tế khai mạc, cùng 20 Linh mục. Đức cha Têphanô Nguyễn Như Thể chủ tế thánh lễ bế mạc, cùng 62 Linh mục. Giáo hữu hành hương lên đến 50.000 người.

Hai kỳ Đại Hội La Vang 22 và 23, mặc dù đã có hoàn cảnh tốt hơn, thuận lợi hơn, giáo dân tham dự đông hơn… nhưng cũng chỉ diễn ra ở cấp giáo phận Huế.

24. ĐẠI HỘI LA VANG 24 : 13.08 – 15.08.1996

Đại Hội La Vang 24 hướng tới hai nội dung:

a. Kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang.

b. Năm Thánh 2000 của Giáo hội toàn cầu.

ĐGH Gian Phao lô II gởi điện văn chúc mừng Đại Hội, ban Phép lành Tòa thánh và “Phó dâng toàn thể cộng đồng Công giáo Việt Nam cho Đức Mẹ La Vang cầu bàu. Mẹ là hiền mẫu đã hiện ra vào năm 1798 để an ủi giáo hữu thời vua Cảnh Thịnh cấm đạo: Không lâu nữa, Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, vốn đã được thánh hiến cho Trái Tinh vẹn sạch Đức Mẹ, sẽ mừng kỷ niệm biến cố 200 năm này…”

Đại Hội La Vang 24 là Đại Hội có tính toàn quốc sau 26 năm (1970 – 1996), qua 6 Đại Hội (18,19,20,21,22,23), chỉ diễn ra ở cấp giáo phận, với sự hiện diện của Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng – Chủ tịch HĐGMVN, các Đức TGM, GM Têphanô Nguyễn Như Thể (giám quản Huế), Phaolô Cao Đình Thuyên (GM Vinh), Alexi Phạm Văn Lộc (GM Kontum), Batôlômêô Nguyễn Sơn Lâm (GM Thanh Hóa)…

Khoảng 100.000 giáo dân đến từ ba miền đất nước và từ hải ngoại đã có mặt trong ba ngày Đại Hội.

ĐẠI HỘI NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG. KỶ NIỆM 2OO NĂM ĐỨC MẸ HIỆN RA TẠI LA VANG

* ĐẠI LỄ KHAI MẠC NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG : 01.01.1998

“Năm 1998 Giáo hội Việt Nam sẽ mừng lễ kỷ niệm 200 năm (1798 – 1998) Đức Mẹ hiện ra tại La Vang. Đức Thánh cha Gioan Phaolô II đã từng nhắc đến biến cố trọng đại này và phó dâng GHVN cho Đức Mẹ La Vang.”[42]

Đại lễ khai mạc Năm Toàn Xá được tổ chức vô cùng trọng thể do Đức TGM Huế Têphanô Nguyễn Như Thể, thừa ủy nhiệm HĐGMVN chủ trì và chủ tế thánh lễ đồng tế cùng 100 Linh mục đến từ khắp nơi trong nước.

* ĐẠI LỄ KỶ NIỆM 200 NĂM ĐỨC MẸ HlỆN RA TẠI LA VANG: 13.08 – 15.08.1998

Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng – Chủ tịch HĐGMVN, đến chủ tọa Đại Hội với tư cách đặc sứ của Đức Thánh cha Gioan Phao lô II. Chính sự hiện diện của Đức Hồng y đặc sứ đã khiến một Đại Hội La Vang lần đầu tiên mang tính toàn cầu.

Cũng cần ghi nhận sự đông đủ chưa từng có của hàng giáo sĩ với 15 vị Giám mục và gần 300 Linh mục. Hơn 1000 tu sĩ nam nữ và 200.000 giáo dân từ khắp nơi tuôn về, dưới cái nắng El Ninô 38°, sốt sắng tham dự suốt ba ngày Tam Nhật.

Ngoài ra, đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang còn là dịp thể hiện thành công lần đầu tiên hội nhập văn hóa dân tộc một cách tích cực không chỉ của giáo phận Huế mà của cả Giáo hội Việt Nam theo tinh thần Công đồng Vaticanô II.

Trong dịp này Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gởi tặng Đại Hội một Chén Thánh. “Đó là một chén thánh có gắn huy hiệu của Đức Thánh cha do chính Đức Thánh cha gởi tặng như chính sự hiện diện hiệp thông của ngài giữa chúng con trong dịp đại lễ hồng phúc này.”[43]

25. ĐẠI HỘI LA VANG 25 – BẾ MẠC NĂM TOÀN XÁ ĐỨC MẸ LA VANG: 13.08 – 15.08.1999

Đức Thánh cha Giáo Phaolô II ban sứ điệp và Phép lành Tòa thánh cho mọi thành phần dân Chúa tham dự Đại Hội này.

Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng – Chủ tịch HĐGMVN chủ tọa Đại Hội, cùng sự có mặt của 20 vị Giám mục, Đan Viện phụ Thiên An, gần 300 Linh mục và 1000 tu sĩ nam nữ.

Hơn 300.000 giáo dân tham dự trong Tam Nhật được xem là kỷ lục trong các kỳ Đại Hội ở thế kỷ XX. Đại Hội La Vang 25 là một “Đại Hội rất quy mô, hiện đại, chu đáo và thành công. Một Đại Hội lớn lao chưa từng thấy trong sinh hoạt của Hội Thánh Việt Nam… Giờ đây La Vang đã không còn là chuyện riêng của tổng giáo phận Huế nữa, nhưng là của tất cả chúng ta…”[44]

* HÀNH HƯƠNG THƯỜNG NIÊN KỶ NIỆM 100 NĂM ĐẠI HỘI HÀNH HƯƠNG ĐỨC MẸ LA VANG :

15.08.2001

16 giờ chiều áp lễ Đức TGM Huế khai mạc Hội Ngộ La Vang 2001 bằng câu thơ mộc mạc, chân tình, ý vị của Linh mục JMT lừng danh xứ Huế:

“Chốn này, ngày này, hội này

Lòng này ghi tạc dám phai đá vàng! “

Ghi nhận từ ngày 15.08 chính lễ có khoảng 100 Linh mục và từ 170.000 đến 180.000 giáo dân tham dự. Đức TGM Huế thì dè dặt hơn: “Quãng 160.000 người rất đạo đức, thánh thiện.” (trích: thư riêng).

26. ĐẠI HỘI LA VANG 26 : 13.08 – 15.08.2002

Chủ đề : “Cùng Mẹ ra khơi”

Đức Thánh cha Gioan Phaolô II “ban Phép lành Tòa thánh cho các Giám mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả giáo dân hiện diện trong dịp hồng phúc này…”

Đại Hội La Vang 26 được tổ chức rực rỡ và hoành tráng với sự hội nhập văn hóa dân tộc tích cực và rõ nét qua việc cân đối hài hòa giữa hành hương và lễ hội. Đặc biệt, ngoài sự có mặt của cộng đoàn dân Chúa sắc tộc Tây Nguyên, còn có sự hiện diện lần đầu tiên của các cộng đoàn sắc tộc người Hoa, người Chăm và vài nghệ sĩ múa người Thái Lan.

“Thánh địa La Vang đã vui mừng đón tiếp 13 vị Tổng Giám mục và Giám mục, hơn 200 Linh mục, gần 1000 tu sĩ nam nữ và 734 đoàn hành hương của các giáo phận…”[45] La Vang đã trở nên chật chội với nửa triệu người chen chân không lọt, ăn chay nằm đất suất ba ngày Tam Nhật. Riêng ngày bế mạc 15.08 phải có khoảng 300.000 người!

Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang đã trở thành dịp hội ngộ của các cộng đoàn dân Chúa và là cơ hội biểu dương hùng hồn đức tin của người công giáo Việt Nam vậy.

Một sự kiện đáng ghi nhớ được công bố trong Đại Hội La Vang 26: Ngày 02.08.2002, Bộ Phụng Tự đã ký sắc lệnh số 1439/02/1 chấp thuận thánh lễ kính Đức Mẹ La Vang bằng tiếng La Tinh và tiếng Việt. Sắp tới HĐGMVN sẽ công bố sắc lệnh này đồng thời bổ sung thánh lễ La Vang, kinh và bài đọc riêng, vào sách lễ và lịch phụng vụ trong nước. “Tương lai, có thể trong lịch công giáo, sách lễ và phụng vụ toàn cầu cũng phải có phần dành riêng để kính Đức Mẹ La Vang.”[46]

27. ĐẠI HỘI LA VANG 27 : 13.08 – 15.08.2005

Đại Hội La Vang 27 – Đại Hội Thánh Thể Toàn Quốc – được tổ chức vào dịp lễ ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI từ ngày 13.08 đến 15.08.2005, dưới sự chủ trì của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.

Xem thêm: Tour Hanh Huong Cong Giao

[39] Trích văn thư của Đức TGM Nguyễn Kim Điền đề ngày 11.04 1984, gởi luật sư Nguyễn Hữu Thọ, chủ tịch Quốc hội nước CHXHCNVN

[40] Tạp chí CỬA VIỆT. Số 4. Tháng 10.1990. Tr. 8

[41] Nội dung buổi họp hạt Quảng trị ngày 01.09.1992, chuẩn bị Đại Hội La Vang 23.

[42] Trích thư HĐGM gởi cộng đồng dân Chúa. 1997

[43] Trích LỜI CHÀO MỪNG ĐỨC TGM HUẾ VÀ CÁC ĐỨC GIÁM MỤC của Lm Tổng Đại diện Sta.Nguyễn Đức Vệ, chiều khai mạc đại lễ kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, 13.08.1998

[44] Lời Đức cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà,phó chủ tịch HĐGMVN dịp bế mạc Đại Hội La Vang 25

[45] Trích lời phat biểu tổng kết của Lm quản nhiệm TTTMTQLV

[46] Trích lời của Lm quản nhiệm TTTMTQLV. Tb CG và DT. Số 1371, tr. 23

Gửi ý kiến của bạn

Tác giả: Hành Hương Công Giáo JM

Hành Hương Công Giáo JM - Tổ chức chuyên phục vụ các Tour hành hương đến các điểm hành hương trên toàn quốc cho anh chị em Ki Tô hữu trong niềm tin vào Đức Ki Tô Mọi thông tin tư vấn: 0934 734 099 - 0973 760 948