Cuộc hành hương la vang đầu tiên phải băng rừng vượt núi

hanh-huong-la-vang-dau-tien-1

Dựa vào những tư liệu đáng tin cậy : RAPPORT ANNUEL DES ÉVÊQUES DE HUẾ DE 1872 À 1940 (BÁO CÁO THƯỜNG NIÊN CỦA CÁC VỊ GIÁM MỤC GP HUẾ – GỞI HỘI TRUYỀN GIÁO HẢI NGOẠI PARIS – Từ 1872 – 1940)[1] được biết trong Đại Hội La Vang 1, qua bài giảng, cha Patinier (cố Kinh) đã “ngược dòng thời gian từ ngót 100 năm qua phác họa lại lịch sử hành hương La Vang“[2]. Tuy nhiên, cho đến bây giờ vẫn chưa đủ căn cứ để xác định cuộc hành hương đầu tiên diễn ra vào thời gian nào, trong hoàn cảnh nào. Nhiều khả năng những cuộc hành hương trong thế kỷ XIX mà cha Patinier Kinh đã phác họa lại là những cuộc hành hương riêng lẻ do vài cá nhân hoặc vài nhóm giáo dân tự phát thực hiện nhằm cầu xin ơn Mẹ, mà những sự kiện này đã được nói nhiều trong VÃN LA VANG (bản văn đầu tiên về La Vang – Không rõ tác giả, xuất xứ, nhưng căn cứ vào nội dung có thể biết thời gian ra đời không lâu sau Đại Hội La Vang 1).

Những cuộc hành hương riêng lẻ, tự phát nếu có thì cũng chỉ diễn ra vào thời vua Gia Long và đầu đời vua Minh Mạng, cụ thể là vào khoảng từ năm 1801 đến năm 1833. Sau đó là thời gian bắt đạo ác liệt, hoàn cảnh không cho phép thực hiện hành hương La Vang, dù là riêng lẻ.

Những cuộc hành hương la vang đầu tiên
Những cuộc hành hương la vang đầu tiên

Năm 1862 vua Tự Đức ban hành lệnh tha tháp, chấm dứt 29 năm (1833 – 1862) bắt đạo ác liệt Nguyễn triều. Những giáo dân còn sống sót lục tục trở về giáo xứ mình.

Tại giáo xứ Cổ Vưu, trùm hạt Phanxicô Xaviê Lê Thiện Thìn hồi cố hương với hai chữ “Tả Đạo” trên má. Bấy giờ ông đã 57 tuổi, trở thành cánh tay đắc lực của các cha sở Desvaux (cố Đề), Phêrô Đỗ Khắc Nhơn, Gioan Đoạn Trinh Khoan, Anrê Trần Văn Doãn …

Mùa chay năm 1864, lãnh ý cha sở, trùm Thìn tập trung khoảng 30 người hành hương La Vang. Họ khởi hành từ Cổ Vưu vào lúc rạng sáng: tay cầm gậy gộc, giáo mác, vừa đi vừa đánh phèng la, khua chiêng khua trống, theo đường núi vạch lá rừng mà đi. Đoạn đường Cổ Vưu – La Vang chỉ chừng 7 cây số nhưng khó đi, phải mất nửa buổi mới tới nơi.

Nhóm hành hương đọc kinh cầu nguyện rất sốt sắng tại địa điểm ngôi nhà thờ tranh, bên gốc cây đa đại thụ, nơi theo tương truyền Đức Mẹ hiện ra. Trước khi ra về họ cũng múc nước suối, hái lá mang theo. Từ những nắm lá, chai nước ấy nhiều người được ơn lành bệnh.

Những năm tiếp theo, giáo dân các nơi khác đến tham dự ngày càng đông biến cuộc Hành Hương Cổ Vưu (giáo xứ) thành cuộc Hành Hương Dinh Cát (giáo hạt).

Nhận thấy Hành Hương La Vang, một trong những phương thế biểu lộ lòng sùng kính Đức Mẹ tốt nhất, vả lại từ những cuộc hành hương này, Đức Mẹ đổ tràn ơn lành hồn xác xuống cho con cái Người, cha sở Cổ Vưu Phêrô Đỗ Khắc Nhơn[4] đã vạch kế hoạch giao cho trùm hạt Lê Thiện Thìn cùng các chức việc họ Cổ Vưu tổ chức việc hành hương La Vang mỗi năm hai lần vào mùa Chay và mồng ba Tết âm lich.

Từ đó đúng định kỳ hằng trăm giáo dân Dinh Cát tập trung tại giáo xứ Cổ Vưu, từng nhóm trang bị gậy gộc, giáo mác hành hương viếng Mẹ.

Về sau, trong những cuộc hành hương như vậy giáo dân cung nghinh tượng Mẹ từ Cổ Vưu vào La Vang.

Năm 1925, cha Inhaxiô Đặng Văn Dõng (1871 – 1900 – 1932) kể rằng: “Hồi nhỏ tôi giúp cha Huấn già [5] tại Cổ vưu, tôi đã đi theo ngài để nghênh tượng Đức Mẹ vào La Vang, cách như vậy một lần, ba năm trước giặc Văn Thân “.[6]

1. ĐẠI HỘI LA VANG 1 – KHÁNH THÀNH NHÀ THỜ NGÓI

+ ĐẠI HỘI LA VANG 1 DIỄN RA NGÀY 08.08.1900 HAY 08.08.1901?

Lâu nay, dựa vào các tài liệu tại giáo phận Huế, thời điểm diễn ra Đại Hội La Vang 1 được ghi nhận là ngày 08.08.1901. Cột mốc lịch sử này có lẽ được xác định bởi bài viết “CUỘC KIỆU LA VANG 1901” trong sách TỰ TÍCH TÔN KÍNH ĐỨC MẸ LA VANG – Imprimerie de Qui Nhơn, An nam, 1923 của Joseph Huế (Linh mục Giuse Trần Văn Trang). Nhưng cha Giuse Trang viết bài này dưới dạng hồi ký hay biên khảo, không phải tường thuật tại chỗ hay phóng sự và thời điểm viết là vào khoảng 20 năm sau Đại Hội La Vang 1, vì ở đầu bài có đoạn: “Đức cha Caspar hồi đó còn cai trị địa phận … ” , và ở cuối bài có đoạn: “Chỉ nói một điều này mà thôi là mấy lần kiệu sau (1917 và 1919) có làm Tam Nhật kính lễ có các cha giảng mỗi ngày hai buổi nên thiên hạ đến đông đắn vô số hơn khi trước.” Vả lại vào thời gian diễn ra Đại Hội La Vang 1 cha Giuse Trang đang là chủng sinh TCV An Ninh (ngài sinh năm 1882, thụ phong Linh mục năm 1910).

Ngoài ra trong những bài viết của mình, cha Giuse Trang còn sưu tầm và dịch trích bài “NOTRE DAME DE LA VANG” đăng trong Annales de la Société des Missions étrangères. Số 24. Tháng 11.1901. Bài này không ghi tên tác giả, nhưng theo Linh mục dịch giả, trong lời tựa, cho biết: “Cha Bonin (cố Ninh), cha sở cựu La Vang đã chép trong sử Hội Giảng Đạo năm 1901. ” Cha Bonin[7], Cha sở cựu La Vang chính là người hoàn thành ngôi nhà thờ ngói, và là trưởng ban tổ chức Đại Hội La Vang 1 .

Những dẫn chứng và những con số nêu trên phải chăng là nguyên nhân khiến có sự nhầm lẫn đáng tiếc chăng? Hoặc kỹ thuật in ấn có gì sai sót chăng? Bởi có ít nhất ba căn cứ đáng tin cậy xác định Đại Hội La Vang 1 diễn ra vào ngày 08.08-1900:

– Căn cứ vào BÁO CÁO của Đức cha Caspar Lộc:

Dựa vào BÁO CÁO NĂM 1900 của Đức cha Caspar Lộc gởi Bề trên Chủng viện Thừa sai Paris, trong đó phần nói về La Vang, ngài bày tỏ: “Một niềm vui lớn cũng là một kỳ vọng cháy bỏng đã đến với Giám mục ĐDTT và với hàng giáo sĩ là ngôi nhà thờ mới được dựng lên ở La Vang, thay ngôi nhà thờ đã bị phá huỷ trong cuộc đảo điên năm 1885 nhằm tôn vinh Đức Mẹ.”[8] Đồng thời ngài “dẫn Báo Cáo của thừa sai Bonin, quản hạt Quảng Trị, nơi có nhà thờ La Vang”[9] cho biết :

“… Từ lâu, giáo hữu hằng khẩn khoản muốn khánh thành và cung hiến ngôi nhà thờ mới La Vang, nhân đó chính thức công bố cuộc hành hương được tổ chức tại nơi nầy nhằm tôn vinh Rất Thánh Nữ Đồng Trinh. Kết cuộc, trong năm nay, việc tái thiết cũng hoàn tất. Theo con, không chỉ giáo dân Quảng Trị mà còn cả giáo dân toàn địa phận (Huế) đã có thể thỏa mãn lòng sùng kính của họ đối với Đức Trinh Mẫu.

Buổi lễ được ấn định vào ngày 08.08″.[10]

– Căn cứ vào năm khởi công và năm hoàn thành ngôi nhà thờ ngói :

Dựa vào BÁO CÁO NĂM 1894 của Đức cha Caspar Lộc gởi Bề trên Chủng viện Thừa sai Paris, trong đó ngài trích Báo Cáo của Thừa sai Patinier (cố Kinh), cha sở Cổ Vưu kiêm quản hạt Quảng Trị, đề ngày 29.09.1894 :

“… Trong thời gian con về Pháp, cha Bonnand (cố Bổn) đã thay con chăm lo công việc, cùng nhờ sự giúp đỡ của cha Gontier (cố Công) nhằm tái thiết ngôi nhà thờ này. Hai cha đã vận động được một số tiền bạc và đã mua sắm những vật hạng cần thiết để khởi công … Vừa trở về, con đã kêu gọi tất cả giáo dân thiện chí giúp vận chuyển số gỗ xây dựng lên núi. Vào ngày đã định, giáo dân trong phạm vi sáu dặm tập trung đông đủ, chia nhau vác gỗ và chỉ trong hai chuyến toàn bộ gỗ đã được tập kết tại La Vang … Hôm sau bộ giàn trò được dựng lên, giờ thì chỉ còn lo việc hoàn thành nhà thờ”.[11]

Công trình hoàn thành năm nào?

Ngoài căn cứ đáng tin cậy là BÁO CÁO NĂM 1900 của Đức cha Caspar Lộc (đã dẫn): “Công cuộc tái thiết cũng hoàn tất trong năm nay” (năm báo cáo tức năm 1900), còn có thể căn cứ vào VÃN LA VANG :

“Súc săng gạch ngói gánh gồng

Đường xa khó nhọc cũng không nề hà.

Sáu năm ngày lụn tháng qua

Nhà thờ xây lợp cũng đà sự thanh.

Nay lo đến việc lạc thành

Sắm sửa soạn sành để kiệu cho luôn”[12]

Lấy năm khởi công (1894) cộng thời gian xây dựng 6 năm sẽ biết năm hoàn thành: 1894 + 6 = 1900.

– Căn cứ vào sự tương quan ngày tháng dương lịch và âm lịch:

Trong BÁO CÁO NĂM 1900 của Đức cha Caspar Lộc (đã dẫn) có câu xác định ngày tháng: “Buổi lễ được ấn định vào ngày 08.08 (dương lịch)”. Trong khi đó, Vãn La Vang từ câu 249 đến 286 đã ba lần nhắc đến ngày mười ba tháng bảy (âm lịch) và một lần ngày mười bốn tháng bảy (âm lịch):

“Soạn sành tập luyện mấy trăng

Mười ba tháng bảy lòng hằng đợi trông.

Có nơi nổi tính hăng nồng,

Lại thêm tập múa đội bông đội hèo.

Người đi bộ, kẻ thuyền chèo

Trên đất dưới nước cứ theo phận mình.

Mười ba tháng bảy thanh minh

Cổ Vưu sở tại đến trình thưa cha:

Chúng con xin kiệu Đức Bà

Một vòng khắp họ kẻo mà nhớ thương

Bấy lâu Mẹ ngự thánh đường

Mai thì đưa Mẹ lên phường La Vang.”[13]

(…)

“Họ này, họ nọ sánh bày,

Hoa đèn trau dọn là ngày mười ba.

Truyền về mười bốn sáng ra

Giờ Dần, giờ Mẹo các cha dặn dò

Họ nào đình trú ở mô

Đêm nghe hiệu lệnh phải lo ra dàn.”[14]

Đối chiếu lịch Vạn Niên, ngày 08-08-1901 (dương lịch) nhằm ngày hăm bốn tháng sáu năm Tân Sửu, không khớp với ngày mười ba hoặc mười bốn tháng bảy (âm lịch) mà Vãn La Vang đã nói đến. Còn nếu đối chiếu ngày 08-08-1900 (dương lịch) thì sẽ nhằm ngày mười bốn tháng bảy năm Canh Tý, khớp với Vãn La Vang: Mười ba tháng bảy năm Canh Tý tức là ngày 07.08-1900 – ngày tập trung tại Cổ Vưu, chuẩn bị rước kiệu vào lúc 04 giờ sáng ngày mười bốn tháng bảy tức là ngày 08.08.1900.

Vậy có thể khẳng định Đại Hội La Vang 1 diễn ra vào ngày 08.08-1900. không phải ngày 08.08.1901 như lâu nay nhiều người lầm tưởng.

+ DIỄN TlẾN VÀ NỘI DUNG ĐẠI HỘI LA VANG 1

Trong BÁO CÁO NĂM 1900 của Đức cha Caspar Lộc, diễn tiến và nội dung Đại Hội La Vang 1 được ghi rõ qua bài phóng sự đặc sắc của cha Bonin, trưởng ban tổ chức Đại Hội:

“… Buổi lễ được ấn định vào ngày 08.08. Nhưng ngay từ tối hôm trước từng đoàn giáo hữu từ những nơi xa xôi nhất đã tụ hội về, trong số đó có người phải vượt quãng đường 150 cây số. Người ở gần cũng đã có mặt lúc nửa đêm, để bốn giờ sáng mọi người bắt đầu dàn đội ngũ cuộc kiệu lớn, khởi hành rước bộ lúc năm giờ sáng.

Đoàn các giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của cha sở mình, làm thành nhóm dẫn đầu đoàn rước. Giáo hữu sánh hàng đôi bước đi. Nhiều người tay cầm cờ xí, cờ nheo và đủ loại giáo kỳ. Sau đoàn các giáo xứ là đoàn hằng trăm nữ tu con Đức Mẹ, với sắc cờ riêng biệt. Mọi người nghiêm trang và thành kính tiến bước, trong khi nhóm nầy lần chuỗi thì nhóm kia hát thánh ca tiếng An nam.

Tiếp theo, các chú tiểu chủng sinh, các thầy đại chủng viện theo sự chỉ dẫn của cha Bề trên Izarn (cố Ý) vừa đi vừa hát những bài ca phụng vụ. Rồi đến các Linh mục bản quốc, các Linh mục thừa sai mặc áo các phép hầu cận Đức Giám mục hiệu tòa Canathe, đấng, dù tình trạng sức khóe suy giảm, vẫn cố sức chủ trì cuộc kiệu đầy cảm động nầy.

Sau cùng, thánh tượng Đức Mẹ hiện rõ trên bàn kiệu đầy hoa nến và khẩu hiệu do mười sáu phu khiêng. Bốn góc phương du, bốn cụ già được tuyển chọn trong số các giáo dân trọng vọng, như toán lính danh dự chẩu hầu Đức Mẹ, hòa giọng trầm cùng các kiệu phu, chia làm hai bè lần chuỗi hoặc đọc kinh cầu Rất Thánh Nữ Đồng Trinh.

Đoàn kiệu kéo dài ít nhất ba cây số tạo thành một cảnh tượng tuyệt đẹp. Ước tính có khoảng mười hai ngàn giáo dân tham dự lễ hội hành hương. Nhiều người lương đi theo hoặc đứng nhìn mà không hề biểu lộ dấu hiệu gì thù nghịch. Họ tỏ thái độ cảm phục.

Lộ trình kiệu từ Cổ Vưu đến nhà thờ La Vang khoảng gần bảy cây số. Ngay khi đến nơi, Đức cha Caspar làm phép nhà thờ mới, tiếp đến thừa sai Patinier (cố Kinh) với bài giảng đầy xúc động trước cộng đoàn, theo đó, ngược dòng thời gian từ ngót một trăm năm qua, ngài phác họa lại lịch sử hành hương La Vang. Cuộc hành hương kết thúc bằng thánh lễ trọng thể có phó tế và phụ phó tế, do thừa sai Barthélemy (cố Mỹ) chủ tế”.[15]

Cũng trong Đại Hội La Vang 1 – khánh thành nhà thờ ngói, theo lời truyền tụng, Đức cha Caspar Lộc tuyên bố tước hiệu nhà thờ La Vang là ĐỨC BÀ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU. Đồng thời ngài ban hành định lệ ba năm một lần Đại Hội vào tuần lễ Đức Bà Xuống Tuyết và hằng năm rước kiệu Đức Mẹ vào ngày mồng ba Tết âm lịch gọi là Kiệu Minh Niên.

ĐẠI HỘI LA VANG 2 : 1904?

Chưa có căn cứ để xác định Đại Hội La Vang 2 diễn ra vào năm nào, 1903 hay 1904? Ngay trong các báo cáo thường niên của Đức cha Caspar vào những năm 1903, 1904, 1905.. . đều không có một câu, chữ nào nói về Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang lần thứ hai. Con số 1904 chỉ là dựa theo lời người xưa truyền tụng, rồi thế hệ trước lưu truyền lại cho thế hệ sau mà thôi.

3. ĐẠI HỘI LA VANG 3 : 1907?

Trong Báo Cáo năm 1907 của cha chính Izarn (thay mặt Đức cha Caspar về Pháp chữa bệnh), cũng như trong Báo Cáo các năm tiếp theo 1908, 1909 của Đức cha Allys và những tài liệu liên quan khác không có câu chữ nào nói về Đại Hội La Vang 3. Vì thế, cũng như Đại Hội La Vang 2, chưa đủ căn cứ để xác định Đại Hội La Vang 3 diễn ra vào ngày tháng năm nào.

4. ĐẠI HỘI LA VANG 4 : 09.08.1910

Do cha sở Cổ Vưu Cadière (cố Cả) tổ chức.

Giáo dân Huế đi hành hương bằng phương tiện mới : Xe lửa : “… Ngày 09.08, 1150 người hành hương Huế đáp hai chuyến xe lửa từ khuya đi Quảng Trị. Chuyến đầu khởi hành lúc 03.30, dừng ở ga cầu Bạch Hổ đón giáo dân Kim Long, ở ga An Hòa đón giáo dân Đốc Sơ, ở ga Văn Xá đón giáo dân Dương Sơn. Chuyến thứ hai khởi hành lúc 04.10 đón giáo dân Phủ Cam, Thợ Đúc, Ngọc Hồ “…

Đức Cha Allys Lý bận việc không ra được. Cha Partinier (cố Kinh) giảng : “Mời gọi giáo dân yêu kính Đức Mẹ La Vang ngày một hơn và đặt trọn niềm tin nơi Người”[16]. Cha PX Nguyễn Văn Tân chủ tế thánh lễ trọng thể. Khoảng 60 Linh mục Tây, Nam tham dự với số giáo dân đông đảo, trong đó có cả “nhiều kẻ ở tỉnh trong như Quảng Nam, Quảng Ngãi và những người địa phận Đàng Ngoài như Nghệ An, Quảng Bình đến mà hiệp vầy cùng địa phận Huế…”[17]

5. ĐẠI HỘI LA VANG 5 : 05.08.1913

Do cha sở Cổ Vưu Lemasle (cố Lễ) tổ chức.

Đức cha Allys Lý đi xe lửa từ Huế ra chủ trì cuộc kiệu. Cụ Nguyễn Hữu Bài đi theo hầu kiệu.

“Đoàn rước tới nhà thờ La Vang lúc 08.30, hơi bị trở ngại do cơn mưa lớn kéo dài. Giáo dân chen cứng trong rạp lớn được dựng sẵn trước cửa nhà thờ. Chỉ một phần ba số người vào được bên trong. Số còn lại đứng ngoài trời hứng trọn cơn mưa tầm tã. Dù vậy mọi người vẫn vui vẻ lắng nghe bài giảng của cha Chabanon (cố Giáo) và chăm chú tham dự lễ hát do cha Barthélemy (cố Mỹ) cử hành… 55 Linh mục thừa sai và Linh mục bản quốc hiển diện chầu lễ”[18]

Còn số giáo dân tham dự là bao nhiêu?

“Bổn đạo sắp đội ngũ mà đi thì số gần tới 9.000, còn những kẻ đi lẻ không nhập vào đội ngũ thì số đông hơn, cho nên cả thảy ước gần 20.000. Tới nhà thờ bổn đạo chen vào chật cứng như nêm, đến nỗi cha sở phải bảo người ta ra bớt kẻo hiểm nghèo.”[19]

Từ Đại Hội La Vang lần thứ nhất (1900) đến Đại Hội lần thứ năm (1913) chỉ tổ chức trong vòng một ngày. Đúng hơn là một “buổi mai mà thôi, là buổi mai vừa tảng sáng thì các họ cứ theo yết sắp đội ngũ kiệu ảnh Đức Mẹ từ nhà thờ Cổ Vưu lên nhà thờ La Vang, rồi thì nghe giảng, xem lễ hát, chầu Phép lành Mình Thành Chúa… Ấy là hoàn tất cuộc kiệu.”[20]

Cuộc hành hương la vang đầu tiên phải băng rừng vượt núi (p2) – Còn tiếp

Xem thêm: Tour Hanh Huong Cong Giao

[1] Tài liệu gốc nguyên bản tiếng Pháp trong Tàng thư văn khố MEP (Archives des MEP) do Lê Thiện Sĩ sưu tập. Năm 2004.

[2] Trích BÁO CÁO NĂM 1900. Tr 3/3 (Các trang, theo nhà sưu tập tài liệu Lê Thiện Sĩ, được đánh số theo từng báo cáo, không theo số trang toàn tập)

[3] Viết theo bài LƯƠNG Y PX LÊ THIỆN THÌN. 1805-1878. Trùm hạt Quảng trị.Tài liệu gia phả Lê Thiện Tộc, trong tài liệu gia đình của ông Lê Thiện Sĩ.

[4] Cha sở Cổ Vưu từ 1867-1874

[5] Còn gọi là Huấn Tiên hay Huấn Lão (1837-1890), cha sở Cổ Vưu từ 1880-1882.

[6] Dẫn lại LINH ĐỊA LA VANG (Lm Sta. Nguyễn Văn Ngọc). Tr. 50-51

[7] Cha Bonin, thay cha Patinier làm cha sở Cổ Vưu từ 1895-1904

[8] Trích BÁO CÁO NĂM 1900. Tr.2/3

[9] Trích BÁO CÁO NĂM 1900. Tr.2/3

[10] Trích BÁO CÁO NĂM 1900. Tr. 2/3 + 3/3

[11] Trích BÁO CÁO NĂM 1894. Tr.3/6 + 4/6

[12] VÃN LA VANG. Từ câu 237-242

[13] VÃN LA VANG. Từ câu 249-260

[14] VÃN LA VANG.Từ câu 281-286

[15] Trích BÁO CÁO NĂM 1900. Tr. 3/3

[16] Trích BÁO CÁO NĂM 1910. Tr. 2/9 (Đức cha Allys Lý trích bài viết của một giáo dân hành hương La Vang đăng trong Mémorial de la Mission de Qui Nhơn)

[17] Trích bài KIỆU ẢNH ĐỨC MẸ LA VĂNG. Joseph Huế (cha Giuse Trang). Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 93. Ngày 29.09.1910. Tr. 555

[18] Trích BÁO CÁO NĂM 1913. Tr. 6/7.

[19] Linh mục Đ. Hồ Ngọc Cẩn.Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 248. Ngày 09.10.1913. Tr. 733

[20] Tb NAM KỲ ĐỊA PHẬN. Số 442. Ngày 26.07.1917. Tr. 458

Gửi ý kiến của bạn

Tác giả: Hành Hương Công Giáo JM

Hành Hương Công Giáo JM - Tổ chức chuyên phục vụ các Tour hành hương đến các điểm hành hương trên toàn quốc cho anh chị em Ki Tô hữu trong niềm tin vào Đức Ki Tô Mọi thông tin tư vấn: 0934 734 099 - 0973 760 948