Hành hương la vang – Huế – một vài suy tư của một nữ tu
Bài cảm nhận của một nữ tu trong phái đoàn khoảng 50 người bao gồm Cha Giám đốc Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình, Bà bề trên và các nữ tu Dòng Đaminh Thái Bình, sau chuyến hành hương La Vang, thăm Dòng Thánh Tâm và một số địa danh tại Huế.
Chúng tôi đến thành phố Huế vào lúc 9 giờ sáng.
Thành phố chào đón chúng tôi bằng những tiếng lặng yên của bầu trời Huế thanh bình. Con người Huế bình an lặng lẽ ngược hẳn với thiên nhiên khắc nghiệt. Dòng Thánh Tâm Huế chào đón chúng tôi cũng bằng những khoảng lặng của khuôn viên Dòng. Lặng lẽ và bình yên, tôi như đọc được trong không gian tiếng của côn trùng, đọc được trong không gian bước đi của con người nhẹ nhàng êm ái.
Em tôi đã ở đây 5 năm trời, nó đã dẫm lên chỗ đất này, ăn tại bàn ăn này, ngồi tại chiếc ghế đây. Tôi ngước mắt nhìn chung quanh, một khuôn viên không rộng cũng không chật, có lẽ cũng như con người Huế, không quá chật chội để chào đón từng loạt các du khách đến thăm quan thành phố cổ – nơi có nhiều lăng tẩm nhất Việt Nam. Cũng không rộng lắm để sánh với các Thành phố lớn của Việt Nam.
Có một điều làm tôi ngạc nhiên là những mái nhà luôn nhỏ bé và khuất sau các lùm cây. Hướng dẫn viên của chúng tôi cho hay: Miền Trung có nhiều nắng và gió, nhất là gió Lào. Những ngôi nhà thiết kế để chắn gió, những con người da ngăm đen vì gió là lẽ thường tình. Ấn tượng nhất đối với tôi tại thành phố Huế là ngôi nhà thờ Chính Tòa không có cột- tôi tạm gọi là nhà thờ không cột. Lặng lẽ đi và lặng lẽ ngắm, tôi không cần người hướng dẫn, tự tìm ra cho mình những thú vị nơi con người và cảnh vật nơi đây. Đoàn của chúng tôi cũng để mỗi người tự do khám phá, tự do tìm hiểu trong khoảng thời gian nhất định. Ngôi nhà thờ được thiết kế theo lối tân cổ giao duyên. Bàn thờ không xa dân chúng là bao song dân chúng vây quanh bàn thờ, và mọi thứ đều rất gần gũi với nhau. Có một điều mà các nhà thờ Miền Bắc không có được đó là Bàn thờ và dân cách xa nhau, và bàn Thờ thường quá cao.
Ở đây tôi học được một điều từ chính dấu vết còn lại của người Việt cổ. Chúng ta rất gần với Thiên Chúa, với vị Thần Linh- mọi sự đều ngay bên. Khoảng 11 giờ đoàn ăn sáng và cũng là bữa trưa luôn, nhà ăn của Dòng Thánh Tâm không lớn song đủ cho chúng tôi quây quần bên cha Giám đốc Chủng viện Thánh Tâm Thái Bình, bên một số thầy Dòng Thánh Tâm Huế. Khu nhà ăn nhộn nhịp được một giờ rồi đoàn nhanh chóng lên xe đi thăm cố đô Huế. Hướng dẫn viên của chúng tôi là chính người Thái Bình vào Huế tu.
Đan viện Thiên An – so với 10 năm về trước tôi đã đến không khác nhiều lắm, vẫn một vẻ đẹp lặng thầm và cô tịch, vẫn một vẻ bình yên đến không ngờ giữa một xã hội đầy sôi động hôm nay. Sắp đến giờ các thầy nguyện kinh trưa, chúng tôi tham quan ngôi nhà nguyện đã tồn tại cùng con người sau bao nhiêu năm chiến tranh, tham quan những hiện vật chính bàn tay của các đan sĩ làm nên. Họ thực sự là những nghệ nhân có Thần Khí của Chúa hoạt động cùng. Hai chiếc lộc bình lớn được gắn chỉ bằng sọ dừa, những phiến đá được ghép lại rất tài tình… nét chạm trổ công phu trên những cây gỗ tạo nên hình hài đầy ấn tượng với khuôn hình Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Việt Nam…
Rời khỏi khuôn viên Đan viện, tôi không thể không chú ý tới các triền đồi bạt ngàn thông, trong khu vực Thiên An, nơi người trẻ có thể tự do cắm trại, tự do vui chơi; nơi các hoạt động vui chơi lành mạnh diễn ra những mùa hè nóng nực, song cũng không thể không có những tệ nạn xã hội và hậu quả là các thai nhi không cha không mẹ bị bỏ rơi. Thời gian quá ít để chúng tôi dừng lại lâu hơn nơi này song cũng cảm ơn con người nơi đây đã giúp chúng tôi nhìn ra sự hiện diện của Thiên Chúa và các đan sĩ khổ tu đã gieo vào tâm trí chúng tôi sự hiểu biết thêm về ân sủng của Thiên Chúa qua linh đạo cầu nguyện và lao động. Xe tiếp tục chở chúng tôi đi thăm lăng Khải Định, phụ hoàng của Bảo Đại – vị cua cuối cùng của thời phong kiến Việt Nam.
Người ta vẫn nói chẳng hay về chế độ này, song chỉ khi đến Huế, bạn mới có thể hiểu thêm phần nào những đóng góp đáng kể của các triều vua quan Phong Kiến cho đất nước. Nét đẹp rất Đông phương được lưu giữ cho đến ngày hôm nay là một nét tuyệt tác của con người thời đại ấy và cũng là nét văn hóa Việt mà đến nay con cháu không thể nào có được. Thời đại của kỹ thuật số, của những nét thẳng và nét bằng – tôi tạm gọi như vậy, bởi con người không đủ kiên nhẫn như các nghệ nhân xưa mà trạm trổ mà thổi vào gỗ vào đá những tinh hoa của một nền văn minh thời đại.
Bàn chân của các Nữ tu Dòng Đa Minh Thái Bình đã đặt lên đất của ngôi chùa Thiên Mụ – ngôi chùa mang dáng thuần Việt. Tới đây người ta nhận ra ngay nền văn minh Việt, con người Việt: hài hòa với Thiên nhiên, êm thắm với con người. Không biết các dì có suy nghĩ gì khi đặt chân lên khu đất này, riêng tôi – một bản thiết kế cho khuôn viên nhà Mẹ tương lai đã hiện ra. Người Việt sao không làm nhà theo kiểu Việt mà người ta cứ phải chạy theo Tây, người Tây cao to, trời tây không nóng, tính tây… không giống mình sao mình cố mà bắt chước họ làm chi nhỉ? Lạ thật đó!
Rời ngôi chùa có tầm cỡ nhất Việt Nam về nét văn hóa và đậm tính dân tộc, chúng tôi vô thăm dòng Kín Huế. Đúng giờ các chị đang “ tụng” kinh. Ai cũng muốn xem mặt các chị, có gì đâu nhỉ, các chị cũng là con người không ra ngoài thì trắng hơn mọi người khác tí thôi mà, cũng hiền hơn vì không nói nhiều…Đã từng có thời gian mình mê khuôn viên dòng Kín và mê đời sống chiêm niệm đến nao lòng. Bây giờ thì tất nhiên là hiểu ra vấn đề: Kín hở chẳng quan trọng nữa, quan trọng là mình yêu Chúa đến đâu và thi hành Lời Chúa đến mức nào phải không nhỉ? Chiều rồi, đoàn tạm biệt Huế, tạm biệt các thầy dòng Thánh Tâm, tiến về thánh địa thôi, Mẹ đang chờ! Trời vẫn mưa khiến lòng người hơi bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người, hơi băn khoăn: không biết ai đó có nghĩ gì không khi mình đến Huế mà chẳng nói được điều gì.
Mẹ đã đón đoàn kìa, tạnh mưa rồi! thật tuyệt vời. Mình biết ngay mà. Tấm lòng người mẹ thì bao giờ cũng mênh mông như trời bể, chẳng bao giờ cạn, cũng chẳng bao giờ thôi tế nhị. Mẹ đáng yêu là thế, Mẹ thận trọng là thế, chỉ có điều con cái Mẹ chẳng thể im lặng để Mẹ chăm sóc. Nó cứ gào lên, đòi thứ này đòi thứ kia, đòi không được thì chán nản, thất vọng không tin không yêu nữa! Quê thật. Thánh Lễ buổi tối trong sự mệt mỏi, ai cũng buồn ngủ. Mẹ cứ để yên cho chúng con ngủ, con gái ngủ rồi Mẹ nói mưa rơi tiếp đi cho nó ngủ ngon, và nó ngủ một mạch đến sáng tỉnh dậy đi lễ trong mưa. Thánh Lễ trong mưa cũng có ý nghĩ của Thánh lễ, hôm nay thì thôi không ngủ nữa nhưng mà đàn nhỏ quá chẳng nghe rõ mà hát. Cơ mà tuyệt vời, cha Giám Đốc Chủng Viện Thánh Tâm Thái Bình thì luôn bình tĩnh và sâu sắc thế đấy.
Ngài nói về Mẹ cũng giản dị như tấm lòng người Mẹ quê nghèo tần tảo bao lo toan cơ mà thương yêu nhiều lắm, chẳng có ai sánh tày. Bên Mẹ trong mưa, nó và Toét cầu nguyện nhiều lắm cho lớp, cho Hội Dòng cho… rất nhiều người và dâng Mẹ hai năm giúp xứ. Mẹ sẽ làm giùm những gì chúng nó chẳng thể làm được. Mà chẳng làm được gì nếu không có Mẹ. Thôi thì cứ kệ Mẹ, đi đến vòi thiên thần lấy nước Mẹ mang về cho người thân rồi hai đứa đi trong mưa về nhà Hành Hương La Vang.
Cách đây mười năm, hoặc lâu hơn nữa khi La Vang chưa được nhiều người biết đến thì đã là một điểm hành hương lớn – nó đi xem các hình ảnh được trưng bày ở nhà lưu niệm mà. Vậy là 213 năm rồi, nơi Mẹ hiện ra với các tín hữu đang trong cơn chịu bách hại và túng quẫn vì niềm tin của mình. Ngày hôm nay, trong cơn túng quẫn, người ta còn chạy đến bên Mẹ nữa không Mẹ yêu? Con đặc biệt xin cho gia đình con: Bố, Trung và các anh chị và các cháu. Con không quên cầu xin cho hương hồn thân mẫu con đã qua đời. Xin cho tất cả những ai cần được cầu xin, con tham vậy đó. Ai có niềm tin vào Chúa và lòng yêu mến Mẹ, họ sẽ có tất cả Mẹ yêu nhỉ?
Hành Hương Công Giáo JM - Tổ chức chuyên phục vụ các Tour hành hương đến các điểm hành hương trên toàn quốc cho anh chị em Ki Tô hữu trong niềm tin vào Đức Ki Tô
Mọi thông tin tư vấn: 0934 734 099 - 0973 760 948