Lễ Lá và Kinh Truyền Tin
Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật lễ Lá hôm qua ĐTC đã chủ sự thánh lễ trước thềm đền thờ Thánh Phêrô. Cùng...
Lược qua danh sách các thánh, chúng ta thấy có ít nhất 148 vị là những bậc hiền mẫu, thậm chí con gái của thánh hai bậc phụ mẫu Marie-Azelie và Guerin Martin cũng là một vị thánh (thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu) – hoặc thánh Marie Zhao Guoshi người Trung Quốc có hai con gái đã cùng mẹ tử vì đạo. Nhiều bà mẹ Trung Đông đã góp mặt trên Nước Trời trong những ngày tháng gần đây, do nạn diệt chủng bùng phát hơn bao giờ hết. Mỗi dân tộc và quốc gia đều có những người mẹ thánh thiện: thánh Eanfleda của Anh quốc, thánh Elizabeth nước Hungary, thánh Margaret của Scotland, thánh Hedwig Phần Lan, thánh Gianna Molla nước Ý, và sau cùng là những người mẹ thánh thiện của các môn đệ nữa. Chắc hẳn cũng có nhiều vị nên thánh trong cương vị là mẹ chồng hay mẹ vợ, dù số lượng không đông đảo bằng. Chỉ xét riêng lòng đạo đức sốt sắng thôi, hoàng thái hậu Blanche de Castille cũng được kể rất là xứng đáng rồi. Là một người mẹ được giáo dục chu đáo theo tinh thần Kitô giáo, bà đã nói với con trai mình là vua thánh Louis rằng, bà thà nhìn thấy ngài chết dưới chân bà còn hơn thấy ngài phạm một tội trọng. Các nhà chép sử đã không đề cập gì về những điều, người con dâu Marguerite nghĩ về bà.
Về những phụ nữ thời danh của Châu Mỹ, phải kể đến là Mẹ Elizabeth Ann Seton, Mẹ Frances Cabrini, Mẹ Marianne Cope và Mẹ Theodore Guerin. Có một trực giác khiến chúng ta gọi các vị này là Mẹ, một danh xưng xét ra còn cao quý hơn là một Vị Thánh. Đó chính là lời vang vọng từ Thập Giá, khi Con Thiên Chúa đã trao ban cho cả và nhân loại chúng ta, không gì khác hơn chính là Một Người Mẹ. Đó là lời cuối cùng mà Người ngỏ với nhân loại trước khi trút hơi thở.
Việc tuyên thánh cho Mẹ Têrêsa Calcutta đem lại sự phấn khởi, như thể chính người mẹ của chúng ta được tôn vinh là Bà Mẹ Của Năm vậy. Quan trọng hơn là thế này, quả thực, Mẹ là một người mẹ. Về mặt nhân khẩu học mà nói, những chiếc nôi trên quê hương chúng ta đã bị bỏ xó. Thiên chức làm mẹ đang bị đe dọa. Ưu tiên việc làm mẹ hơn là sự nghiệp, dường như đã bị xem là một tổn hại, một đụng chạm đến quyền tự chủ. Tại đại hội đảng Dân chủ năm 2016, một diễn giả đã được vỗ tay tán dương khi tuyên bố rằng cô đã phá bỏ đứa bé trong bụng vì công việc chuyên môn của mình. Cả khán phòng tràn ngập thứ âm thanh rùng rợn, nó đã biến bà Rachel thay vì than khóc những đứa con của mình vì chúng không còn nữa, trở thành một bà Rachel cười toáng lên khi những đứa con của mình bị giết chết. Điều này cũng xảy ra một cách nào đó nơi một vài dòng tu: các mẹ bề trên đã được tái cơ cấu để trở thành các bà chủ tịch, say sưa nói về “công lý và hòa bình cũng như việc biến đổi khí hậu”, thay vì ơn cứu rỗi. Chẳng ai có thể phỉnh gạt Mẹ Giáo Hội quá lâu, những hội dòng như vậy đang bốc hơi dần dần.
Kinh nghiệm là người thầy nghiêm khắc, và những kinh nghiệm tang thương cho chúng ta thấy rằng, Satan căm ghét những người mẹ, cả những người mẹ thể lý lẫn những người mẹ thiêng liêng. Mẹ Têrêsa là mẹ của một một thế giới mồ côi, và việc tuyên thánh cho mẹ rồi đây sẽ khiến cho Nữ Thần Báo Tử phải tru tréo lên. Vòm cửa chốn hỏa ngục rung chuyển mỗi khi tên một vị thánh được ghi vào lịch. Thế nhưng, mỗi tiếng gièm pha, vu khống, ngược lại, chính là lời báng bổ của những kẻ chống lại Thiên Chúa. Nhiều trang web phản đối, đả kích sự kiện tuyên thánh, và tôi có lướt qua một trang web do một sinh viên mới tốt nghiệp của một trường đại học, nơi đó, khi Mẹ Têrêsa đến thăm, ngay bài diễn văn đầu tiên Mẹ đã bị la ó vì có nhắc đến đức khiết tịnh. Có lẽ những sinh viên sắp tốt nghiệp trong đám đông hôm đó, đã tự huyễn hoặc rằng họ là thành phần tinh anh chói lóa nhất của thế hệ mình, và do vậy, có một số đã phá bỏ nhiều sinh linh mà đáng ra, nhờ ơn Chúa, chúng sẽ còn có thể thông minh và khôn ngoan bằng hay thậm chí hơn cả cha mẹ mình. Có bao nhiêu đứa con của họ đáng lẽ đã có thể được sinh ra, lớn lên, sẽ viết nên những tuyệt tác giao hưởng, vẽ nên những bức tranh tường tuyệt vời, hay phát minh ra thứ thuốc chữa được các loại bệnh ung thư? Việc thắc mắc này hóa ra lại là điều duy nhất, rốt cuộc bị coi là thô tục, kiêng kỵ trong xã hội hiện nay.
Về phía những người không thiện cảm, Vijay Prashad, sử gia theo Mác-xít người Ấn Độ, đã bày tỏ rõ sự khó chịu trước sự kiện Mẹ Têrêsa được tuyên thánh. Mức độ gay gắt kì lạ trong lời nói khinh miệt của ông này dường như đã đi quá xa, với một nhân vật tự cho mình là không dính dáng, bận tâm gì đến Giáo hội. Mẹ Têrêsa không phải là mục tiêu duy nhất của ông này. Trong số các nguyên nhân, có lẽ còn có nguyên nhân này: ông này là thành viên hội đồng tư vấn của USACBI (tẩy chay nền văn hóa và học thuật của Israel). Tariq Ali, một nhân vật cực đoan người Pakistan, thì cáo buộc mẹ trò chuyện với các nhà độc tài, trong khi chính ông này từng than khóc trước cái chết của “người anh hùng Che Guevara” của ông ta, và gọi Hugo Chavez là “một chính trị gia vĩ đại”. Công bằng mà nói, ông này đã gọi Christopher Hitchens, một nhân vật vô thần chuyên làm trò, là “gã nhà quê say xỉn”; nhưng chỉ là sau khi Hitchens, như một cái đồng hồ bẹp dúm chỉ chạy đúng giờ hai lần một ngày, lên tiếng bảo rằng vị anh hùng Trotsky của gã không hoàn hảo. Ai nương nhẹ gọi Hitchens là thô lỗ, thì cũng sẽ cho Caligula (ND: tên thường gọi của Hoàng đế Rôma nổi tiếng tàn ác, Gaius Julius Caesar Augustus Germanicus [12 – 41]) là tên ưa đùa ác, và Thành Cát Tư Hãn (lập ra đế quốc Mông Cổ) là kẻ thích táy máy. Hitchens đã cho phát tán một số bài bình luận về Mẹ Têrêsa vốn không thích hợp để được ấn hành. Không cần phải theo thuyết phân tâm học Freud, thì người ta vẫn có thể nhận ra cơ sự đã tạo nên tâm tánh của Hitchens chính là cái ngày mà ông ta phải nhận diện xác của mẹ mình sau khi bà tự tử. Đáng ra, ông ta đã có thể viết ra những điều hay ho hơn, nếu như ông ta biết xem xét, lượng giá lại chính bản thân mình… Đáng ra ông ta đã có thể viết ra những trang sách còn tuyệt vời hơn cả tác phẩm “Something Beautiful for God” của Muggeridge (ND: một tác phẩm bán chạy trên Amazon, bàn về Mẹ Têrêsa). Trong thánh lễ tưởng niệm William F. Buckley tại thánh đường thánh Patrick, tôi có được giao nhiệm vụ chọn các bài thánh ca. Hitchens có tham dự và hát những bài thánh ca đó một cách sốt sắng, rồi chia sẻ với ai đó rằng, ông ta thích các giai điệu hay. Sẽ là một ơn cao vời nếu vào ngày Mẹ được tuyên thánh, Mẹ có thể lôi kéo, có thể nhận lại ông ta như một đứa con trai, khi ấy đúng là những ca từ sẽ kết dệt thành một ca khúc thú vị.
Những kẻ theo Mác-xít và chống đối Mẹ, sẽ phải cau mày nhíu trán trước những điều bất tương xứng kỳ lạ xét về mặt luân lý mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi người con gái tên Anjeze Gonxhe Bojaxhiu, sinh ra tại Skopje, ngày nay là Macedonia, từng mang các quốc tịch Otto, Serbi, và Yugoslavi trong những năm bạo lực trước đây. Quê hương của Mẹ là vùng đất đầy căng thẳng giữa Josip Broz “Tito” và Enver Hoxha mà chính quyền Albani do hắn đứng đầu, có lẽ cũng là đất nước vô thần chính thức duy nhất trên thế giới. Các linh mục tại đất nước này bị tàn sát, tính đến Tháng Năm 1967, tất cả 2.169 nhà thờ và nơi thờ tự đều bị tịch thu, một thập kỷ trước đó, một hiến pháp mới được ban hành cấm tất cả “các sinh hoạt, tuyên truyền mang hơi hướm phát xít, tôn giáo, gây chiến, bài chủ nghĩa xã hội”. Những tên bạo chúa đó cùng những huyễn tưởng đến từ địa ngục của chúng, tất cả đến nay đều đã đã biến mất, đang khi hình ảnh Mẹ mỉm cười lại xuất hiện khắp nơi, trên các con tem được phát hành một cách chính thức. Cha thánh Gioan Vianney lấy làm ngạc nhiên khi nghe quỷ than khổ rằng: “Nếu có được ba linh mục như ngươi thì vương quốc của ta sẽ bị diệt”. Ước chi chúng ta có thêm những người mẹ khác giống như Mẹ Têrêsa, nhưng chỉ mình Mẹ thôi, cũng đã đủ khiến cho một góc nhỏ địa ngục nơi bán đảo Balkan này phải tanh bành rồi.
Tôi đã viết, đã kể ở đâu đó về những cuộc gặp gỡ với Mẹ trong chín năm vừa qua, nhưng không thể nào bỏ qua cái lần tôi vội vã đi dâng lễ cho Mẹ và các chị em trong dòng của Mẹ ở Rôma và bị săn đuổi bởi cái người được gọi là “con chó bới rác”. Có lẽ những lúc trời còn sớm, lúc chạng vạng hắn trở nên dữ dằn hơn. Sau khi tôi cố gắng thực hiện màn nhào lộn khó khăn để nhảy qua một bức tường cao trong bộ áo thầy tu, Mẹ đã ở sẵn bên kia đón tôi mà không nói gì, như thể đây là chuyện bình thường vẫn xảy ra vậy. Khi ấy chưa có phong trào chụp ảnh “tự sướng”, nên chúng tôi chẳng có bức hình nào ghi cảnh hai chúng tôi tay nắm tay dìu nhau cuốc bộ qua cánh đồng anh túc ở ngoại ô Rôma, cố vẫy xe xin đi nhờ do có cuộc bãi của các công nhân hỏa xa, vậy mà tuyệt nhiên là không ai dừng lại. Tất cả đã in sâu vào ký ức… như cái lần tôi đang trên đường đi dâng lễ cho cộng đoàn của Mẹ, tôi cảm thấy áy náy giằng co vì một tội – một tội nhẹ, nhưng dù sao vẫn là tội. Sau lễ, Mẹ đem phần ăn sáng tới cho tôi, nhìn tôi dùng bữa, Mẹ nhẹ nhàng tâm sự với tôi dù không được gợi chuyện, đúng ngay những điều đang giằng xé lòng tôi.
Lần kia, sau lễ, Mẹ bảo tôi rằng “điều đau xót nhất trên thế gian này” là nhìn thấy người ta rước lễ một cách bất kính. Mẹ dùng tay ra hiệu nhưng tôi biết, Mẹ đang nói về tình trạng nội tâm, chứ không phải cách thức rước lễ bằng tay hay bằng miệng. Tôi đã nhắc đến chuyện này trong một buổi tọa đàm trên truyền hình, và bị nhiều người suy diễn rằng Mẹ không đồng ý với việc rước lễ bằng tay. Chuyện này khiến Mẹ phải khốn khổ vì các giám mục đã chấp thuận cả hai cách. Lúc nào Mẹ cũng rước lễ bằng miệng. Có một tấm hình chụp tôi đang trao Mình Máu Thánh Chúa cho Mẹ cùng với cố hồng y Mayer ở Rôma – ngài trao Mình Thánh còn tôi trao Máu Thánh, vì Mẹ thường rước lễ hai hình. Có lẽ, việc rước lễ bằng miệng thì thích hợp hơn vì giúp tránh tội phạm thượng, nhất là ở các nhà thờ chốn thành thị nơi có nhiều người không rõ lai lịch có thể phạm thánh. Thế nhưng Mẹ thực sự không muốn bị kéo vào các cuộc tranh luận. Không phải là người duy cảm, Mẹ yêu cầu tôi viết một bài đính chính trên tờ báo viết rằng bà phản đối việc rước lễ bằng tay. Tôi nói với Mẹ là tôi “sẽ cầu nguyện rồi viết”, thế nhưng, Mẹ đã đáp lại đanh thép như một sĩ quan Hải quân: “Không! Chúng ta cần làm điều này ngay! Tôi cầu nguyện! Còn cha thì viết!”. Qua giọng nói của Mẹ, tôi thấy rõ ràng mình phải thêm dấu cảm to tướng ở cuối câu. Không biết đã bao nhiêu lần tôi giải thích, đính chính điều này, nhưng không ít người đã phớt lờ, thậm chí phẫn nộ về những gì tôi viết theo như lời Mẹ yêu cầu. Tôi hy vọng điều này sẽ giúp mọi chuyện lắng xuống, dù không chắc là như thế. Những người có thiện ý vẫn có thể trở thành kẻ thù tồi tệ nhất của chính họ, cũng như chẳng phải mọi đứa con đều muốn nghe theo điều Mẹ mình nói.
Vào cái ngày 9 Tháng Tám năm 1974 nóng bức, u sầu đó, tổng thống Richard Nixon có bài phát biểu cuối cùng trước giới truyền thông, ông ta nói: “Mẹ tôi từng là một vị thánh”. Ai lại đi so sánh với các bậc công thần ái quốc, làm như thế ông đã sai lầm hoàn toàn, làm như thế thật là thiếu chín chắn, người mẹ mà ông nói tới, người ông coi như phao cứu sinh, như chỗ dựa chắc chắn nhất của mình, thực ra đã khuất núi từ lâu. Một ân huệ lớn lao đã xảy tới, là chính ngày tôi giới thiệu mẹ ruột của tôi với Mẹ Têrêsa. Nghe hai vị trò chuyện mà cứ như đang được nghe lỏm những gì diễn ra trong ngày Lễ Ngũ Tuần vậy. Mẹ tôi cám ơn Mẹ Têrêsa vì tất cả công việc tốt đẹp Mẹ đã thực hiện. Mẹ Têrêsa không quan tâm đến những lời đó, và cảm ơn mẹ tôi vì bà đã sinh ra một linh mục. Tôi cứ thấy nhột mỗi khi nhớ lại chuyện này, nhưng lúc nào Mẹ cũng làm cho người linh mục cảm thấy vai trò quan trọng của họ, bất chấp vẫn còn đó những thiếu sót. Sau lễ, Mẹ hôn tay của vị linh mục và cảm ơn ngài đã mang Chúa Giêsu đến cho Mẹ. Mẹ cũng xin vị linh mục đó nhớ đến bà mỗi khi ngài đổ nước vào rượu trong nghi thức dâng bánh rượu. Tôi cố gắng thực hiện việc đó mỗi ngày. Tôi sẽ không tham dự buổi lễ tuyên thánh được nhưng tôi biết Mẹ sẽ hiện diện ở mọi bàn thờ, ở khắp mọi nơi, cùng với Đức Maria, Mẹ Giáo Hội dõi theo con cái mình.
Linh mục George W. Rutler
(Chuyển dịch: Truyền thông Đa Minh)